Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sàn thương mại điện tử: Hướng đi giúp nông sản Việt nâng tầm giá trị

Lê Vũ - 15:53, 14/12/2020

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành phương thức giao dịch quen thuộc và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Trong đó, TMĐT đối với các sản phẩm nông nghiệp đang có sức thu hút mạnh mẽ, trở thành hướng đi giúp nông sản Việt dần được nâng tầm giá trị, lấy lại thị phần trong nước.

Không khó để tìm các đặc sản vùng miền tại trang TMĐT Vỏ Sò
Không khó để tìm các đặc sản vùng miền tại trang TMĐT Vỏ Sò

Sàn TMĐT, sự lựa chọn hợp lý 

Những năm gần đây, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đã hiểu được thực tế, khi nông sản Việt vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng tại thị trường quốc tế, thì tại thị trường nội địa, chúng ta đang bỏ mặc cơ hội cho nông sản. Do đó, để từng bước lấy lại niềm tin tiêu dùng, chiếm lấy thị phần trong trước, ngoài việc củng cố chất lượng sản phẩm,thì  phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng cần được chú trọng, thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Và, sàn TMĐT hiện đang là sự lựa chọn hợp lý cho việc phát triển và nâng tầm giá trị nông sản Việt, từ đó từng bước nông sản Việt mới đủ sức cạnh tranh với các nông sản ngoại nhập.

Theo chỉ số TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, hiện cả nước có hơn 64 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số; 62 triệu người dùng mạng xã hội với số thuê bao di động đạt 143 triệu … là cơ sở quan trọng để phát triển mạnh thị trường TMĐT. Thông qua các website TMĐT uy tín hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng mua các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Việt Nam bằng phương thức trực tuyến. Đồng thời, yên tâm hơn khi mua sản phẩm qua mạng, bởi các loại sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Đưa nông sản đến với mọi miền

Có thể đơn cử như Vỏ Sò (voso.vn) là sàn TMĐT khá chú trọng vào đặc sản vùng miền và được bảo trợ bởi Tổng công ty Cổ phần bưu chính Viettel. Không đơn thuần chỉ kinh doanh sản phẩm hàng hóa thông thường, mà đây còn là môi trường kết nối hàng Việt giúp đưa các nông sản vùng miền đến với mọi miền của cả nước thông qua sàn TMĐT. Sau 2 năm hoạt động, nền tảng Vỏ Sò có 144.632 nhà cung cấp với hơn 255 nghìn sản phẩm các loại. Tính đến hết năm 2019, doanh thu của Vỏ Sò đã đạt 119 triệu USD.

Sàn TMĐT PostMart có riêng hẳn khu vực dành cho sản phẩm OCOP tại các địa phương trong cả nước.
Sàn TMĐT PostMart có riêng hẳn khu vực dành cho sản phẩm OCOP tại các địa phương trong cả nước.

Nhằm giúp hỗ trợ các hợp tác xã và hộ kinh doanh nông nghiệp tiếp cận, khai thác hiệu quả của thương mại điện tử (TMĐT), mới đây Vỏ Sò đã ký kết hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để đẩy mạnh chương trình Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, doanh nghiệp này cũng ký kết hợp tác với iCheck - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm. Với công nghệ truy xuất nguồn gốc của iCheck các mặt hàng nông sản bán trên sàn TMĐT Vỏ Sò sẽ được thông tin đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, công khai thông tin quá trình nuôi trồng, chế biến, đóng gói,...giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin chính xác về sản phẩm.

Hay một ví dụ khác, hoạt động từ cuối 2018 đến nay, dù quy mô chưa lớn, nhưng FoodMap - một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến - đã được cả Tiki và Lazada chọn hợp tác khi ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi. Nhắm đến mục tiêu dùng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản Việt, FoodMap đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc lên sàn cho mọi nhà sản xuất hoặc nông dân; đồng thời làm thương hiệu riêng cho những nông sản bản địa độc đáo nhưng khó cạnh tranh ở các sàn lớn vì chưa có thế mạnh thương hiệu.

Cũng có thể kể đến Postmart là sàn giao dịch thương mại điện tử được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thiết lập từ cuối năm 2018, được vận hành bởi Công ty Phát hành báo chí Trung ương. Một trong những ưu điểm lớn của sàn Postmart là hình thức thanh toán đa dạng.

Hình ảnh một sản phẩm nông sản Việt được giới thiệu trên sàn TMĐT FoodMap
Hình ảnh một sản phẩm nông sản Việt được giới thiệu trên sàn TMĐT FoodMap

Việc thanh toán không chỉ bó hẹp bằng hình thức COD (giao hàng thu tiền) mà khách hàng còn có thể thanh toán bằng ví điện tử, thanh toán tại bưu cục, Paypost, thẻ Top-up... Hiện sản phẩm bán trên sàn khá đa dạng, với hơn 3.000 loại sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản đặc trưng có thương hiệu của nhiều địa phương trong cả nước như: chè Thái Nguyên, long nhãn Hưng Yên, gạo Séng Cù Yên Bái, nước mắm Phú Quốc, mật ong rừng Lào Cai, tương ớt Mường Khương, chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, Tiên Yên... Tất cả sản phẩm đều có hình ảnh, thông tin mô tả cụ thể, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đánh giá từ 3 - 5 sao, giúp người tiêu dùng dễ tìm hiểu và lựa chọn hơn.

Có thể thấy, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là một trong những hướng đi mới, đúng đắn cho nông sản Việt. Đây cũng là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.