Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sẵn sàng cho ngày hội hái lê “Vị ngọt Giang Ma”

Minh Nhật - 15:14, 18/06/2024

“Ngày hội hái lê xã Giang Ma” là sự kiện văn hóa, du lịch lần đầu tiên được tổ chức tại Lai Châu nhằm giới thiệu về nông sản sạch Lai Châu và tạo cơ hội cho những người trồng lê ở Giang Ma, huyện Tam Đường một sản vật do thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho mảnh đất này.

Ngày hội hái lê xã Giang Ma lần thứ I năm 2024 tổ chức vào ngày 22/6. (Ảnh TL)
Ngày hội hái lê xã Giang Ma lần thứ I năm 2024 tổ chức vào ngày 22/6. (Ảnh TL)

Được thiên nhiên ưu đãi khí hậu nhiệt đới gió mùa và đất đai màu mỡ, nên cây lê ở xã Giang Mai (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho những trái lê chất lượng, thơm, ngọt, căng mọng với một vị ngọt thanh mát riêng biệt.

Hiện, toàn xã có diện tích cây lê là hơn 116ha, trong đó diện tích thu hoạch 96ha, sản lượng ước đạt 780 tấn. Nông sản sạch từ lê giúp bà con Nhân dân xã Giang Ma ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Hiện nay, cây lê được trồng nhiều ở 7 bản của xã Giang Ma là Bãi Bằng, Mào Phô, Giang Ma, Phìn Chả, Xin Chải, Sin Câu, Sử Thàng.

Được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2013, giống lê VH6 tại các xã: Nùng Nàng, Giang Ma, Hồ Thầu của huyện Tam Đường với ưu điểm nổi bật là sinh trưởng khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc, cây trồng 4-5 năm cho thu hoạch, quả lê chín sớm vào cuối tháng 6, chín trước các giống lê địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 100ha lê, trong đó 40% diện tích đã cho thu hoạch.

Dọc con đường liên xã Giang Ma dịp này tấp nập các tiểu thương thu mua nông sản sạch. Tam Đường là huyện giáp ranh với thị xã Sa Pa của tỉnh Lào Cai, giao thông đi lại thuận lợi, do vậy, vào dịp cuối tuần, khách du lịch từ Sa Pa qua phương tiện thông tin truyền thông, dần biết tiếng thơm từ trái lê, cũng đã ghé thăm các vườn lê, thưởng thức những trái lê sạch tại vườn, mua về làm quà biếu người thân, cũng như chụp ảnh kỷ niệm, rất đông vui, tấp nập.

Trải nghiệm này ngày càng được nhiều du khách trong tỉnh và ngoài tỉnh Lai Châu biết tới, không chỉ giúp quảng bá, cũng như tìm đầu ra cho nông sản sạch của địa phương mà còn góp phần phát triển du lịch Lai Châu gắn liền với bản sắc văn hóa.

Du khách trải nghiệm hái lê tại vườn. (Ảnh TL)
Du khách trải nghiệm hái lê tại vườn. (Ảnh TL)

Chị Thanh Hiếu, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ sự phấn khích khi vô tình "lạc" vào chốn này. Chị cho biết, chị cùng đoàn công tác đi từ trên thành phố Lai Châu trở về Hà Nội. Trên đường, dọc hai bên quốc lộ, bà con đồng bào dân tộc Mông, Dao bày từng sạp lê căng mọng, bắt mắt nên đã dừng lại mua, ít nhất mỗi người trong đoàn mua 10kg về làm quà.

Tuy nhiên, khi đi qua địa phận xã Giang Ma, những cành lê trĩu quả, căng mọng, vươn ra khỏi hàng rào như mời gọi, khiến mọi người trong đoàn không khỏi tò mò, háo hức, nên đã dừng xe để vào tham quan tận vườn.

Ông Giàng A Cháng, ở bản Giang Ma, xã Giang Ma chủ vườn chia sẻ, vài năm trở lại đây, người dân xã Giang Ma chủ động phát triển thêm dịch vụ phục vụ khách du lịch vào tham quan, tự tay hái và thưởng thức những trái lê ngọt mát ngay tại vườn.

Vườn lê xen canh trồng đào ăn quả, ông Giàng A Cháng cho biết thêm, hết mùa thu hoạch lê sẽ đến mùa thu hoạch đào. Việc trồng xen canh này giúp gia đình ông thu về khoảng 50 triệu đồng/năm. Năm nay, niềm vui lớn hơn không chỉ là vì được mùa lê, được bán với giá dao động từ 25 đến 40 nghìn đồng/kg, bà con trong xã vui mừng lắm, bởi được huyện Tam Đường chỉ đạo chính quyền xã tổ chức lễ hội hái lê lần đầu tiên.

Suốt hơn 1 tháng qua, người dân vui mừng dọn dẹp vườn sạch sẽ, đặt thêm những chiếc ghế ngồi, trang trí tiểu cảnh trong vườn trông sinh động, để chào đón du khách đến hái quả, chụp hình. Bởi bà con hiểu, càng có nhiều du khách đến tham quan, mua lê, họ sẽ ngày càng yên tâm đầu tư, phát triển diện tích trồng lê, mà không phải lo tìm đầu ra mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Vườn lê thôn Giang Ma, địa điểm được lựa chọn để tham quan trong ngày hội. (Ảnh TL))
Vườn lê thôn Giang Ma, địa điểm được lựa chọn để tham quan trong ngày hội. (Ảnh TL))

Phó Chủ tịch xã Giang Ma Ma A Tủa thông tin, từ chỉ đạo của tỉnh, của huyện, ngày 16/5/2024, UBND xã Giang Ma đã có văn bản chỉ đạo về việc thành lập Ban Tổ chức Ngày hội hái lê xã Giang Ma lần thứ nhất, năm 2024.

Địa phương hy vọng sau Ngày hội lê tới đây, thương hiệu Lê Giang Ma sẽ được người dân cả nước biết đến, tin yêu, tin tưởng, tin dùng sản phẩm của dân mình. Đây là động lực rất lớn đối với chính quyền cũng như bà con trong vùng.

Hiện, Ban Tổ chức đã lựa chọn các vườn lê tại các bản Giang Ma, Xin Chải và Sử Thàng là địa điểm du khách tham quan lễ hội dừng chân, trải nghiệm. Ngày hội hứa hẹn hấp dẫn du khách với các phần thi: thu hoạch lê nhanh, đẹp, đúng kỹ thuật; thi giới thiệu và trưng bày mâm quả; thi gọt lê nghệ thuật…

Ngoài ra du khách sẽ được tham quan gian trưng bày sản phẩm, gồm: gian trưng bày quả lê và các loại rau, củ, quả, dược liệu... theo mùa của xã Giang Ma; gian trình diễn di sản văn hóa đồng bào dân tộc Mông; gian bán, trưng bày, giới thiệu đồ lưu niệm, trang phục, nhạc cụ, nông cụ sản xuất của người Mông, Dao; quảng bá, giới thiệu xúc tiến các hoạt động du lịch của huyện, xã; nông sản sạch của địa phương…

Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội, Ban Tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động, thi đấu các môn thể thao dân tộc như: thi giã bánh giày; thi kéo co; giao lưu các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ; giao lưu trò chơi rồng ấp trứng, đi cầu thăng bằng, ném pao, đánh cầu lông gà; giao lưu văn nghệ...

Ban Tổ chức cũng sẽ chọn ra 3 nhà vườn tiêu biểu có sản lượng, năng suất, thu nhập cao, vườn đẹp và 1 cá nhân đóng góp trong việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển sản phẩm Lê Giang Ma để vinh danh tại Ngày hội.

Người dân xã Giang Ma hái lê bán cho du khách mang về làm quà. (Ảnh TL)
Người dân xã Giang Ma hái lê bán cho du khách mang về làm quà. (Ảnh TL)

Với chủ đề “Vị ngọt quả lê Giang Ma”, Ngày hội hái lê xã Giang Ma lần thứ I năm 2024 sẽ được tổ chức tại Sân vận động xã Giang Ma, huyện Tam Đường vào ngày 22/6/2024.

Ban Tổ chức kỳ vọng Ngày hội sẽ thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa những người trồng lê với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ quả lê. Góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng thu nhập cho nông dân trồng lê trên địa bàn.

Từng bước làm thay đổi tư duy, cách làm của các hộ trồng lê, chuyển đổi nhận thức của bà con trong việc chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến với địa phương.




Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.