Sau khi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chính thức khởi công vở diễn “Chén thuốc độc” vào đầu tháng 10/2021, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội và sinh viên lớp diễn viên tài năng K39 Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã lập tức bắt tay vào tập luyện.
Đây là lần đầu các diễn viên của nhiều đơn vị nghệ thuật cùng kết hợp trong một vở diễn để kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu kịch nói nước nhà. Cách đây đúng một thế kỷ, vào ngày 22/10/1921, vở “Chén thuốc độc” của nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896-1960) được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khẳng định sức hút của vở kịch đầu tiên do người Việt viết và đánh dấu sự ra đời chính thức của kịch nói Việt Nam. Xoay quanh câu chuyện về gia đình thầy Thông Thu - một gia đình tư sản Âu hóa bị cuốn sâu vào những tệ nạn, cám dỗ của xã hội thành thị thực dân, vở kịch phê phán, cảnh tỉnh mạnh mẽ lối sống ăn chơi hưởng lạc, đánh mất bản thân, quên đi trách nhiệm với gia đình và xã hội…
Đảm nhận vai trò đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ, bản dựng lần này vẫn bảo đảm giữ đúng tinh thần, cấu trúc kịch bản, nhưng sẽ mang tiết tấu, nhịp sống đương đại để hấp dẫn, phù hợp công chúng hôm nay. Sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng, dày dạn kinh nghiệm như NSND Lê Khanh, NSND Việt Thắng, NSND Trung Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoài Thu… cùng nhiều diễn viên trẻ tài năng như Việt Hoa, Duy Anh, Khuất Quỳnh Hoa... hứa hẹn sẽ mang đến sức hấp dẫn cho vở diễn có vị trí đặc biệt trong nền sân khấu Việt. “Chén thuốc độc” dự kiến ra mắt công chúng vào cuối tháng 10/2021 khi tình hình dịch được kiểm soát.
Thời gian này, sau khi hoàn thành ghi hình để phát sóng các vở “Trung thần”, “Võ Tam Tư trảm cáo”, “Triệu Đình Long cứu chúa”, Nhà hát Tuồng Việt Nam đang chuẩn bị một số trích đoạn tiêu biểu để thực hiện chương trình giới thiệu nghệ thuật tuồng đến với khán giả trẻ.
Trong khi đó, cùng với việc đưa lên sàn tập các vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đang tiếp tục hoàn thiện dàn dựng vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” phục vụ công chúng nhỏ tuổi. Khai thác câu chuyện về cuộc sống của những loài vật khi đối diện vi-rút ác độc, vở diễn chuyển tải nhiều thông điệp mang tính giáo dục về tầm quan trọng của vắc-xin, sức mạnh của tình đoàn kết, sự quyết tâm nếu muốn chiến thắng dịch bệnh…
Cũng hướng đến đối tượng khán giả nhí, Nhà hát Múa rối Thăng Long hào hứng thực hiện chuỗi chương trình “Thế giới của chúng em” cho dịp Giáng sinh và chào đón năm mới. Còn với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thực hiện ghi hình xong vở xiếc “Biệt đội siêu anh hùng giải cứu” để phát sóng theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nghệ sĩ tập trung ngay vào hoàn thành nốt những đơn đặt hàng biểu diễn năm 2021. Trong đó, tiêu biểu là năm suất diễn thuộc chương trình kích cầu du lịch Quảng Ninh, thu hút khách du lịch nội địa sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Hạ Long.
Cùng với đó, Liên đoàn cũng phối hợp Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếp tục dàn dựng vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” - tác phẩm thứ hai nằm trong dự án “Huyền Sử Việt” khai thác thế mạnh của ngôn ngữ cải lương và xiếc. Lãnh đạo hai đơn vị cho biết: Thời điểm này, để tránh tập trung đông người, mỗi bên vẫn đang tích cực tập luyện theo khối lượng công việc riêng đã được phân công để đến cuối tháng này, khi tình hình kiểm soát dịch tốt hơn sẽ tiến hành khớp cảnh. Vở diễn dự kiến ra mắt vào đầu tháng 12/2021.
Ở mảng sân khấu xã hội hóa, một số đơn vị cũng đang tích cực chuẩn bị “trình làng” những sản phẩm nghệ thuật mới. Sân khấu Lệ Ngọc cho biết sẽ tung ra vở “Nước mắt của mẹ”. Biên đạo múa Tuyết Minh cùng khoảng 150 nghệ sĩ múa cả nước cũng đang gấp rút hoàn thiện tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” để công diễn trực tuyến ngày 20/10, thay lời tri ân gửi tới lực lượng tuyến đầu trong công cuộc phòng, chống dịch.
Sau thời gian khá dài phải tạm rời ánh đèn sân khấu, việc được biểu diễn trở lại đối với các nghệ sĩ là niềm hạnh phúc khó tả. Điều họ mong mỏi nhất lúc này là sân khấu có thể nhanh chóng sáng đèn. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: Khi cuộc chiến chống Covid được xác định còn kéo dài thì biểu diễn nghệ thuật cũng phải tìm cách thích ứng an toàn với đại dịch.
Thiết nghĩ nên có một bộ tiêu chí chung, thống nhất các quy định về việc đón khách tới thưởng thức nghệ thuật. Trong đó đưa ra những yêu cầu cụ thể về việc kiểm soát an toàn đối với đơn vị tổ chức, nghệ sĩ, người xem; giới hạn số khách có thể đón tối đa một lần dựa trên không gian biểu diễn từng địa điểm. Trên cơ sở này, các đơn vị nghệ thuật có thể chủ động ngay trong xây dựng kế hoạch và tổ chức biểu diễn an toàn. Thêm nữa, sau gần hai năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, nguồn lực tại các đơn vị đã gần như cạn kiệt.
Để bảo đảm hoạt động, các đơn vị mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước trong đặt hàng sáng tác, quảng bá, dàn dựng tác phẩm, ổn định đời sống nghệ sĩ… Theo nhiều chuyên gia, kể cả khi dịch được kiểm soát thì công chúng vẫn có những e dè nhất định khi tìm tới sân khấu trực tiếp. Vì thế, cần đẩy mạnh hơn việc truyền thông, quảng bá sản phẩm sân khấu qua nền tảng trực tuyến.
Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết: Ngành nghệ thuật biểu diễn sẽ từng bước hướng tới thiết lập các website, kênh phát sóng trực tuyến các chương trình, tiết mục có thu phí để khai thác đối tượng khán giả rộng lớn trên các nền tảng công nghệ./.