Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sách viết cho đồng bào dân tộc thiểu số: Tìm đâu chỗ đứng?

PV - 09:23, 12/03/2018

Tấp nập, sôi nổi… đó là cảm nhận của chúng tôi khi tham dự Ngày sách Việt Nam 2017.

Thế nhưng, trong hàng ngàn đầu sách ấy có bao nhiêu đầu sách viết cho đồng bào DTTS?  Trong dòng người tấp nập ấy có bao nhiêu người quan tâm đến sách viết cho đồng bào DTTS. Khảo sát thực tế đã cho chúng tôi câu trả lời: Sách viết cho đồng bào DTTS chưa tìm được chỗ đứng.

Ngày sách Việt Nam 2017 khai mạc đúng vào ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch nên lượng độc giả đến thăm quan, mua sắm tăng vọt. Với khoảng 100 gian hàng của 80 đơn vị thuộc các Nhà Xuất bản, Công ty Phát hành trên cả nước, với gần 40.000 đầu sách, hàng vạn bản sách gồm nhiều chủ đề đa dạng, phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như: chính trị, pháp luật, kinh tế, khoa học công nghệ, kỹ thuật, tham khảo, giáo dục, văn học, văn hóa, xã hội,... đã phần nào đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhiều đối tượng bạn đọc. Ngày sách Việt Nam 2017 một lần nữa tôn vinh, khẳng định văn hóa đọc trong lòng độc giả cả nước. Thế nhưng, sách viết cho đồng bào DTTS, viết về vùng đồng bào DTTS lại khá khiêm tốn, chưa tìm được chỗ đứng.

Các loại truyện, sách kỹ năng sống…viết cho giới trẻ luôn thu hút rất đông người mua. Các loại truyện, sách kỹ năng sống…viết cho giới trẻ luôn thu hút rất đông người mua.

Bạn Nguyễn Chí Dũng, dân tộc Tày, sinh viên Học viện Tòa án chia sẻ: “Em đến đây để tìm mua một số sách về pháp luật. Em cũng có xem thấy một số sách nghiên cứu về các phong tục, tập quán của dân tộc mình nhưng quả thực em thấy không hấp dẫn”.

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội là gian hàng đầu tiên chúng tôi khảo sát. Ở đây, các loại sách cũng khá phong phú. Chiếm số lượng nhiều nhất là các sách nghiên cứu. Trong hàng trăm cuốn sách trưng bày tại đây thì chỉ có một vài cuốn sách nghiên cứu về DTTS, như: Hợp lưu những dòng suy tư: về địa danh, phương ngữ và ngôn ngữ các DTTS của tác giả Hoàng Thị Châu. Một vài cuốn khác, có đề cập đến vấn đề DTTS, như: Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn hóa của tác giả Nguyễn Bá Thành; Dân tộc học và Nhân học ở Việt Nam của tác giả Phan Hữu Đạt…Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân cũng có gần chục đầu sách nghiên cứu về văn hóa các tộc người: Tày, Nùng, Mông, Khơ Mú, Thái…của tác giả Chu Thái Sơn…Nhà Xuất bản Phụ nữ có một số đầu sách bằng tiếng dân tộc viết về tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các Nhà xuất bản khác như: Giáo dục, Chính trị Quốc gia-Sự thật, Thông tin và Truyền thông… đến các Nhà sách lớn như: Tiền Phong, Kim Đồng, Trí Tuệ…đều rất thưa vắng các đầu sách viết cho đồng bào DTTS, thậm chí là không có.

Nổi bật nhất trong các đầu sách viết cho đồng bào DTTS là các tác phẩm văn nghệ dân gian thuộc Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa- văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, Hội đã xuất bản khoảng 2.500 tác phẩm văn nghệ dân gian các dân tộc do GS.TSKH Tô Ngọc Thanh làm Trưởng ban chỉ đạo. Nhiều tác phẩm được xuất bản tại Nhà Xuất bản Sân khấu và Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc. Điển hình như: Âm nhạc dân gian một số DTTS phía Bắc Việt Nam; Thành ngữ, tục ngữ, câu đố các dân tộc Thái, Tày, Dao; Dân ca các dân tộc Pu Péo, Sán Dìu, Dao, Lô Lô…

Chiếm tới 80% sách viết cho đồng bào DTTS là gian hàng của Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc. Trong trang phục dân tộc Tày, đứng ở quầy đón khách, bà Trần Phượng Trinh, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản gần như độc tôn trong lĩnh vực sách viết cho đồng bào DTTS. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, gian hàng của Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc cũng hình như bị lạc lõng giữa Ngày hội sách, không giành nhiều sự quan tâm của độc giả.

Bà Trinh chia sẻ: Mỗi năm Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc đã xuất bản vài trăm đầu sách mới viết về đồng bào DTTS. Điều đáng mừng là giới trẻ đã quan tâm đến các vấn đề của đồng bào DTTS, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, so với các sách thuộc thể loại khác thì sách viết cho đồng bào DTTS luôn thưa người xem và ít mua hơn.

Ngày sách Việt Nam hằng năm được tổ chức nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khơi dậy tinh thần ham học của người Việt. Ngẫm về Ngày sách, chúng tôi-những người làm công tác dân tộc không ít những băn khoăn, trăn trở. Làm thế nào để sách viết cho đồng bào DTTS có chỗ đứng? Câu hỏi không chỉ đặt ra đối với những người làm công tác dân tộc mà còn dành cho các ngành chức năng, các nhà hoạch định chính sách, các tác giả và cả nhận thức của người dân.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.