Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sắc Mận trắng gọi xuân về

Minh Nhật - 16:59, 18/02/2024

Bên cạnh sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai, một vài năm trở lại đây, màu trắng tinh khiết của hoa mận cũng thu hút nhiều khách hàng lựa chọn để cắm trong dịp Tết Nguyên đán…Từ thị hiếu của thị trường dịp tết cũng đã mở ra hướng thu nhập cho nhiều hộ đồng bào DTTS vùng cao nguyên phía Tây Bắc....

(Bài số Xuân chưa đưa vào báo in): Sắc Mận trắng gọi xuân về
Mùa hoa mận trắng ở Mộc Châu, Sơn La

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khắp các nẻo đường Tây Bắc đang ngập tràn sắc trắng tinh khôi của hoa mận. Loài hoa tượng trưng cho sự ngọt ngào và sâu lắng đang hút hồn du khách và người “chơi” hoa xuân bốn phương. Hoa mận được biết đến là một loài hoa đặc trưng mà chỉ có thể tìm thấy ở những cao nguyên phía Tây Bắc như: Sơn La, Lào Cai, Hà Giang.. Hoa mận thường nở vào thời điểm khi đông vừa tan, xuân sắp tới và tiết trời trở nên ấm áp hơn thì mới bắt đầu nảy mầm, đơm hoa. Tuy nhiên, tùy vào thời tiết mỗi năm mà thời gian hoa mận nở có thể sớm hoặc muộn. Những cành hoa mận rừng nở sớm, mang vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc đã xuất hiện ở nhiều vùng cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), giúp không khí mùa xuân nơi đây như đến gần hơn, khiến nhiều người thích thú.

Mận rừng đang là loại được người tiêu dùng săn đón và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc, giúp người dân có thêm cái tết ấm no hơn. Vừa sang tay 3 cây mận rừng giá 4-5 triệu đồng, ông Lò Văn Bó ở Vân Hồ (Sơn La) cho biết: các cây này có tuổi đời 5-7 năm, cao trên 2m. Sau khi mua lại từ người dân đi khai thác trên rừng, ông dành cả năm qua để chăm sóc, uốn thế. Theo ông, ngoài bán theo cây thì mận rừng theo bó được khách ưa chuộng nhất. Mỗi cành giá 10.000 đồng, với những cành được khai thác từ cây mận cổ thụ giá đắt thêm 5.000 đồng.

(Bài số Xuân chưa đưa vào báo in): Sắc Mận trắng gọi xuân về 1
Những cành mận để vận chuyển đi thành phố.

Khảo sát cho thấy, các cành mận rừng hiện được bán khá rẻ. Giá cho cành mận nhỏ, cao 1,2 m khoảng 99.000-110.000 đồng một bó (10 cành), còn cành mận to, cao hơn 3m giá 200.000-400.000 đồng một bó. Chị Vũ Thị Nhung, một tiểu thương cung cấp cành mận từ Sơn La cho biết hiện tại ngày nào cũng cắt cành mận để phục vụ nhu cầu chưng của khách hàng, trung bình mỗi ngày đều bán đi hàng trăm bó mận.

Chị Cầm Thị Hằng tiểu Khu 2 Thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La), người buôn cành mận rừng, kể mới bán được 2 tuần nay nhưng đã "sang tay" cho khách gần 1.000 cành. Đây là mận chị thu mua từ các bản làng ở Mộc Châu (Sơn La). Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên hoa mận nở đẹp. Nếu chăm sóc tốt, mận rừng sẽ giữ được độ tươi trong vòng 30 ngày. "Người Hà Nội đang rất chuộng mận rừng là bởi hoa mai, đào, lan đã quá quen thuộc trong các dịp lễ Tết nên họ muốn tìm một loài hoa mới lạ, đặc sắc mang hơi thở của núi rừng", chị nói.

Sắc mận xuống phố

(Bài số Xuân chưa đưa vào báo in): Sắc Mận trắng gọi xuân về 2
Mận rừng được bày bán tại nhiều chợ hoa ở Hà Nội

Những ngày này, không khó để tìm kiếm hoa mận được bày bán tại thủ đô và trên chợ mạng. Vốn là loại hoa đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc và được ưa chuộng mỗi dịp Tết đến xuân về, tuy nhiên dù đang sớm nhưng vào thời điểm hiện tại loại hoa này đang rất “được lòng” những khách hàng yêu hoa vì giá rẻ, chưng được thời gian lâu, đẹp mắt..

Bình cắm cành hoa mận rừng Tây Bắc chưng Tết là hình ảnh xu hướng vài năm trở lại đây. Nhiều người cắm cành hoa mận rừng Tây Bắc không chỉ để trang trí mà còn là thú vui. Người chơi hoa sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức để hoa ra nụ và đơm hoa. Theo giới buôn, vài năm gần đây sở dĩ người Việt chuộng các loại hoa rừng có màu trắng vì chúng khác lạ, đồng thời, biểu trưng cho sự may mắn, tài lộc. Những cây hoa mận trắng này là mận rừng (mận cơm) được người dân ở các tỉnh Tây Bắc đi khai thác sau đó bán lại cho người làm cây cảnh và bán ra thị trường Tết.

Tại Hà Nội, mận rừng cũng đang được bày bán ở chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ) và một số Shop hoa Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội… Giá mỗi cành hoa dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào độ to nhỏ, dáng thế khác nhau.

Chị Hoa, một tiểu thương ở Ba Đình (Hà Nội), khoe có nhiều khách mua các bó mận rừng để gửi vào miền Nam tặng khách với số lượng lớn. Theo chị, mận rừng không chỉ nụ hoa chúm chím, cánh nhỏ li ti bắt mắt mà còn rẻ nên được nhiều khách chuộng. So với năm ngoái, giá mỗi cành mận, lê rừng năm nay giảm 30% xuống còn chỉ vài nghìn đồng một cành nhỏ và trên 20.000 đồng với cành lớn.

Có thâm niên bốn năm cung cấp mận, đào dịp Tết, chị Hà My, ở Hà Đông chia sẻ, việc mang mận hay đào miền núi về thành phố bán cũng giống như nông dân Tây Tựu trồng hoa bán. Hầu hết các cây này đều là của đồng bào trồng và bán để có thu nhập. Việc tỉa cành hàng năm đồng thời giúp cây ra cành mới và phát triển tốt hơn.

(Bài số Xuân chưa đưa vào báo in): Sắc Mận trắng gọi xuân về 3
Sắc trắng tinh khôi của hoa Mận được nhiều người ưa chuộng

Điểm khác biệt của hoa mận, lê rừng so với hàng trồng thông thường là tuổi thọ kéo dài, hoa có 5 cánh nhỏ hơn cả hoa đào. Đặc biệt, cây mận, lê rừng dễ chăm sóc nên người chơi để cả tháng bông vẫn tươi. So với các loại mai, đào, lan chưng Tết, các cành mận lê rừng đang có giá rẻ nhất.

Ngoài vẻ ngoài thuần khiết, tinh khôi và cành lá mảnh mai, hoa mận rừng Tây Bắc ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc mà ít ai biết đến. Đằng sau những bông hoa mận trắng là ý nghĩa vô cùng tuyệt vời về sự kiên cường bất khuất, là biểu tượng của sự chịu đựng trường tồn, chống lại thời tiết. Hoa còn đại diện cho sự may mắn và hạnh phúc. Loài hoa này có cả hoa và quả nên là biểu trưng của sự trọn vẹn, đầy đủ và sung túc cho gia chủ.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.