Sinh sống lâu đời ở vùng miền núi Tây Bắc và Đông Bắc, gồm các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng và Nghệ An, người Mông còn bảo lưu được nhiều phong tục tập quán, đặc biệt là việc dệt vải, thêu may các bộ trang phục dân tộc đặc sắc. Để phục vụ công việc này, hầu như người phụ nữ dân tộc Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng biết se lanh dệt vải, nhuộm chàm, thêu thùa với những họa tiết cầu kỳ, tinh tế thể hiện tài năng, sự khéo léo của người phụ nữ.
Ở Sa Pa, người Mông chiếm 52% dân số chung của toàn huyện. Điều đặc biệt là hầu hết những người phụ nữ dân tộc Mông ở đây đều có đôi bàn tay nhuốm màu chàm. Bởi đó chính là công việc hằng ngày của họ.
Kỹ thuật nhuộm vải lanh bằng lá chàm khiến vải thành màu xanh đậm, màu đặc trưng của các đồng bào DTTS. Màu nhuộm xanh này được người Mông dùng để nhuộm vải may áo từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để làm thuốc nhuộm, lá chàm được thu hoạch và ngâm cùng nước suối sạch trong thùng lớn suốt 3 ngày. Sau đó, họ vớt bã ra và cho vôi vào khuấy đều khoảng vài giờ cho tới khi xuất hiện lớp màu vàng hoặc xanh trên bề mặt. Khi dung dịch chàm vôi lắng xuống đáy thùng, họ cho thêm tro đốt từ gỗ chất lượng tốt, cháo, nước và cồn vào để trong vòng 4 - 5 ngày cho tới khi thấy bọt sủi lên. Công cuộc sản xuất màu nhuộm đã hoàn thành.
Người Mông trồng chàm dọc các sườn đồi. Họ dùng lá chàm để làm thuốc nhuộm bằng cách cho lên men và Ôxy hóa. Để tạo ra được thuốc nhuộm chàm chất lượng tốt ngoài việc có nguyên liệu chuẩn thì cũng cần phải có người nhiều kinh nghiệm. Cả quy trình nhuộm mất khoảng 10 ngày, thậm chí cả 1 tháng.
Người Mông làm vải chàm bằng cách lặp lại quy trình nhuộm nhiều lần. Đây cũng là lý do tại sao phụ nữ Mông thường có bàn tay nhuốm màu xanh vì họ phải dùng tay để làm việc.
Sau cùng, để tấm vải bóng đẹp hơn, họ dùng sáp ong để nhuộm lại một lần nữa. Từ đó, những người phụ nữ Mông sẽ thỏa sức trang trí hoa văn lên những tấm vải của mình.