Những ngày cuối năm, trên các con đường lớn của huyện Tuy Phước, người dân đã vận chuyển hàng trăm chậu hoa từ các vườn ra để bày bán. Sắc vàng hoa cúc, sắc đỏ lay-ơn, màu tím, màu cam sặc sỡ của vạn thọ… bung nở khoe sắc rực rỡ cả một góc phố. Còn tại các vườn, người dân đang hối hả những công đoạn cuối cùng để kịp giao hoa cho khách về chơi Tết.
Ông Nguyễn Kim Dư (thôn Bình Lâm, xã Phước Hoà) cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng được khoảng hơn 3.000 chậu hoa với nhiều loại như cúc hoạ mi, hoa mắt nai, hoa vạn thọ, hoa đồng tiền và cúc kim cương. Tôi đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư trồng hoa từ hơn 3 tháng trước. Từ giữa tháng 10 âm lịch, vườn nhà tôi đã có nhiều khách đến đặt mua. Đến nay, có khoảng 2/3 số hoa trong vườn đã được khách trong tỉnh đặt mua.
Trong những ngày này, ông Dư và người thân trong gia đình đang tất bật gói và vận chuyển hàng ngàn chậu hoa từ trong vườn đến những đường lớn để thương lái đến chở đi tiêu thụ. Theo ông Dư, năm nay thị trường hoa cũng rất lớn, người dân có nhiều lựa chọn hơn để tậu những chậu bông đẹp nhất để chưng trong những ngày Tết, do đó đầu ra của việc bán hoa cũng có phần chậm hơn các năm trước. Tuy nhiên, đối với những chậu hoa gia đình ông trồng được hầu hết là loại nhỏ và loại trung nên đầu ra cũng tương đối ổn định.
“Đối với vạn thọ thì giá khoảng 10.000-15.000 đồng/chậu; đối với hoa mắt nai giá khoảng 15.000-20.000/chậu; đối với cúc thì từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn/chậu tuỳ theo độ lớn nhỏ. Do thời tiết thuận lợi nên hoa sinh trưởng tốt, nở đúng thời gian nên khách rất ưng. Tôi hy vọng trong những ngày tới, số hoa còn lại sẽ được bán hết để gia đình có một cái Tết tươm tất. Nếu trừ chi phí phân bổi các thứ, thì năm nay gia đình ông kiếm được khoảng vài chục triệu đồng”, ông Dư nói thêm.
Cách đó không xa, tại vườn hoa Tết của mình, vợ chồng ông Văn Tấn Thành cũng đang hối hả đẩy những chậu hoa cúc pha lê ra phía ngoài đường để thương lái đến chở đi tiêu thụ. Năm nay gia đình ông trồng được khoảng 300 chậu cúc pha lê, và đến thời điểm hiện tại toàn bộ số hoa này của vợ chồng ông đã được thương lái và khách đặt mua hết. Tuy theo kích thước và hình dáng các chậu hoa mà giá cả cũng khác nhau, dao động từ 250.000 đến 500.000 đồng mỗi chậu.
“Tôi thấy việc trồng hoa cũng cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa, lại đỡ công chăm sóc hơn nên gia đình mạnh dạn đầu tư. Đến nay, đối với vườn hoa của mình, ngoài công chăm bón, vợ chồng tôi đã bỏ vào đó khoảng gần 40 triệu đồng. So với năm ngoái, đầu ra của cúc pha lê có phần ổn định hơn, cũng dễ bán hơn. 300 chậu cúc của gia đình được khách từ Gia Lai và Tp.Quy Nhơn đặt mua hết, chỉ còn lại những chậu nhỏ với nhiều loại hoa khác nhau. Nếu bán hết, sau khi trừ các chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng trên dưới 100 triệu đồng” ông Thành nói.
Ngoài hai hộ này, tại Bình Lâm còn có hàng trăm hộ dân trồng hoa bán Tết. Theo người dân, thời tiết những tháng vừa qua ổn định, các vườn hoa phát triển tốt, ít sâu bệnh và nở hoa đúng dịp Tết nên rất nhiều khách đặt mua sớm. Tính đến thời điểm hiện tại, đa phần các chủ vườn đã bán được hơn phân nửa số hoa trồng được. Số còn lại người dân sẽ mang ra các chợ hoa để bày bán.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hoà, cho biết: Bình Lâm là có khoảng 255 hộ trồng hoa, với 56ha. Hàng năm, ước tính làng hoa bán ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán khoảng khoảng 54 nghìn chậu hoa các loại, trong đó chủ yếu là hoa cúc (gần 47.000 chậu), với doanh thu trên 7 tỉ đồng, bước đầu mang lại hiệu quả sản xuất cao. Từ đó, nghề trồng hoa kiểng Bình Lâm đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tạo cảnh quan cho xây dựng nông thôn mới.
“Năm nay, thời tiết thuận lợi nên việc trồng hoa của bà con tương đối thuận lợi. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 80% số hoa với khoảng 65.000 chậu của người dân ở Bình Lâm đã được thương lái và khách đặt mua. Hiện nay địa phương cũng đang triển khai Đềán phát triển làng nghề trồng hoa Bình Lâm theo hướng làng nghề hoa kiểng gắn với du lịch. Theo đó, địa phương sẽ cho mở rộng diện tích trồng hoa, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hoa; đẩy mạnh liên kết giữa phát triển dịch vụ du lịch với làng nghề trồng hoa…nhằm cải thiện sinh kế cho người dân”, ông Hùng cho biết thêm.