Đặc biệt là Lễ nghinh thỉnh sắc phong và đoàn rước Bằng xếp hạng Di tích đền thờ Po Nit được tổ chức hoành tráng từ Nhà văn hoá cộng đồng thôn Bình Hiếu đến đền thờ Po Nit với màn đồng diễn của hàng trăm vũ công cùng các vị chức sắc tôn giáo của cả hai đạo Bàlamôn và Bà Ni thuộc huyện Bắc Bình, các nhân sĩ, trí thức cùng hàng trăm đại biểu, quan khách.
Sau Lễ rước sắc phong, Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình biểu diễn phục vụ bà con và quan khách một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc mang đậm sắc thái văn hóa Chăm. Cùng lúc đó, các vị Sư cả phái Bàlamôn chủ lễ tại đền thờ tiến hành nghi thức dâng cúng lễ vật cho Vua thần nhằm cầu an cho dân làng và ước mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Bên cạnh phần lễ, phần hội năm nay được mở rộng thêm nhiều gian hàng giới thiệu nét đặc trưng văn hoá truyền thống như gian hàng sản phẩm gốm gia dụng và mỹ nghệ; gian hàng ẩm thực đặc sản món dê gém và nước súp chế biến của nghệ nhân Chăm; gian hàng dệt truyền thống gắn với bán sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công; khu vực biểu diễn nhạc cụ truyền thống và hướng dẫn du khách cùng tham gia đánh trống ginang, gốc thư viện sách và tài liệu nghiên cứu về văn hoá lịch sử của dân tộc Chăm phục vụ bạn đọc…
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn treo giải thưởng cho các em thiếu nhi tham gia trò chơi bịt mắt bắt vịt, đập hũ, thi đội nước về làng. Đặc biệt là duy trì môn thi nâng cao tay nghề nắn gốm thủ công và gốm mỹ nghệ, do các nghệ nhân thuộc làng gốm Bình Đức trổ tài phục vụ du khách. Cùng với đó là môn thi nắn bánh gừng trang trí trên mâm cỗ dâng cúng Katê do nghệ nhân các làng Chăm trong toàn huyện tham gia.
Vào buổi tối, các nghệ nhân và diễn viên thuộc các xã Chăm như Phan Hiệp, Phan Hoà, Phan Thanh, huyện Bắc Bình cùng nhóm nghệ nhân diễn viên ở thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc đến giao lưu, biểu diễn chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa Chăm tại đền thờ.
Đồng hành chia sẻ với địa phương, trong dịp Katê năm nay, một số mạnh thường quân và đơn vị Nhà nước kết nghĩa với xã Phan Hiệp đã quan tâm tặng 196 suất quà từ thiện cho các hộ thuộc diện nghèo, khó khăn và các em học sinh hiếu học, trị giá trên 80 triệu đồng.
Theo thông lệ, sau Katê trên đền, tháp, từ ngày mùng 2 trở đi cho đến ngày trăng Rằm, lần lượt các làng Chăm, nhà Đạo, nhà Sư cả đến các hộ dân trong làng mới được phép tổ chức cúng gia tiên. Đặc biệt là tuân thủ nghi thức cúng 5 mâm cơm, bánh trái để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của người cha theo chế độ mẫu hệ.
Lễ hội Katê năm 2024 tại đề thờ Po Nit đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách và người dân địa phương cả về tín ngưỡng tâm linh và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, góp phần làm tốt nhiệm vụ phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc gắn với phục vụ phát triển du lịch bền vững theo chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ.