Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quỳnh Lưu (Nghệ An): Nước lũ rút chậm, hơn 1.000 hộ dân vẫn còn bị ngập lụt

Khánh Ngân - 13:40, 28/09/2021

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có mưa lớn trên diện rộng, gây ngập lụt cục. Một số xã, thị trấn như: Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, thị trấn Cầu Giát... Đến sáng 28/9, vẫn còn gần 1.000 hộ dân đang bị ngập lụt, nhiều khu dân cư đang cô lập. Chính quyền địa phương đang dồn sức để khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

Một góc ở thôn Hồng Yên (Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu) nước vẫn còn ngập sâu
Một góc ở thôn Hồng Yên (Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu) nước vẫn còn ngập sâu

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện Quốc lộ 1A đoạn đi qua thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu nước đã rút. Các phương tiện giao thông đã có thể lưu thông bình thường, không còn ngập như những ngày trước. Tuy nhiên, ở các xã: Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Giang... đang ngập lụt cục bộ, có nơi nước ngập lên đến trên 1m.

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hoàng Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Mặc dù trời đã tạnh ráo, nhưng nước lũ xuống chậm. Địa phương đang tích cực thực hiện một số biện pháp để tăng tốc mức độ thoát nước, chống ngập lụt”. 

Mặc dù nước đã rút dần, nhưng đến sáng 28/9, toàn huyện Quỳnh Lưu vẫn còn hơn 1.000 hộ dân bị ngập trong nước
Mặc dù nước đã rút dần, nhưng đến sáng 28/9, toàn huyện Quỳnh Lưu vẫn còn hơn 1.000 hộ dân bị ngập trong nước

Có mặt tại xã Xã Quỳnh Hồng, một trong những vùng bị ngập sâu nhất của huyện Quỳnh Lưu trong đợt lũ này, hiện tại hàng trăm hộ dân vẫn không thể sinh sống tại nhà do nước rút chưa hết. Tại thôn Hồng Yên, các tuyến đường liên thôn ngập khoảng 50cm, có nơi lên đến 1m. Nhiều hộ dân vẫn đang bị ngập chưa thể về nhà để dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Ông Đoàn Khắc Công, thôn trưởng thôn Hồng Yên (xã Quỳnh Hồng) cho biết: Ngày 24/9, mưa lớn liên tục nước dâng lên rất nhanh, và ngập cho đến bây giờ. Người dân trở tay không kịp, hiện nước đang rút, tuy nhiên xuống chậm.

Để hỗ trợ cho bà con Nhân dân, các lực lượng Bộ đội, Công an, Đoàn thanh niên đang tiếp tục đưa lương thực, thực phẩm, để tiếp tế cho bà con vùng ngập sâu, cô lập. Đặc biệt, UBND xã Quỳnh Hồng đã huy động toàn bộ số can, dụng cụ chữa nước sạch để vận chuyển đến vùng ngập lụt phục vụ cho bà con Nhân dân.

UBND xã Quỳnh Hồng huy động tối đa can, dụng cụ đựng nước để vận chuyện đến phục vụ người dân vùng ngập lụt
UBND xã Quỳnh Hồng huy động tối đa can, dụng cụ đựng nước để vận chuyện đến phục vụ người dân vùng ngập lụt

Mưa lớn liên tiếp trên diện rộng từ ngày 24 - 26/9 làm cho nước ở các huyện vùng cao đổ về Quỳnh Lưu lớn, đúng dịp triều cường đang lên. Bên cạnh đó, công trình tiêu nước đê sông Thái (1 trong 3 hệ thống tiêu nước chính ở huyện Quỳnh Lưu) đang thi công chưa hoàn thiện làm cho lượng nước rút chậm. Đó được cho là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ ở một số nơi ở huyện Quỳnh Lưu trong đợt lũ này.

Sáng nay (28/9), thời tiết tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã tạnh ráo, trời hửng nắng là cơ hội để các ngành chức năng tiến hành khơi thông các dòng chảy để đẩy nhanh tiến độ thoát nước. Cũng là dịp để tiến hành kiểm tra rà soát những vùng trọng yếu ngập lụt để hỗ trợ bà con khắc phúc hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Bích Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Hiện nay, huyện đang tiến hành khơi thông một số dòng tiêu nước để đẩy nhanh tốc độ thoát nước trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ để hỗ trợ bà con vùng lũ, khắc phục hậu quả để nhân dân sớm ổn định cuộc sống”.

Ở xã Quỳnh Giang, so với ngày 26/9 sáng nay nước đã rút xuống được khoảng 30cm
Ở xã Quỳnh Giang, so với ngày 26/9, sáng nay nước đã rút xuống được khoảng 30cm

Theo thống kê từ UBND huyện Quỳnh Lưu, đã có hơn 3.000 hộ dân bị ngập nước, trong đó có 200 hộ dân phải sơ tán tránh lũ. Gần 5.000 gia cầm, gia súc bị cuốn trôi; hơn 60ha lúa mùa và 1.000ha rau màu bị ngập và hư hại; gần 3.000ha nuôi trồng thủy sản bị nước tràn bờ. Thiệt hại về kinh tế ở huyện Quỳnh Lưu trong trận lũ này là rất lớn.

Theo ý kiến của cán bộ chuyên ngành, đây mới là trận lũ đầu mùa, nếu không có những giải pháp kịp thời như, đẩy nhanh, hoàn thiện các công trình tiêu nước như đê sông Thái, nạo vét các kênh tiêu; bố trí xả nước ở các hồ đập phù hợp thì thiệt hại trong những trận lũ tiếp theo là điều khó tránh khỏi. 

Địa phương cần chú trọng cắm mốc số liệu thủy văn, lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ ở vùng thấp trũng, lên kế hoạch di dời dân cụ thể theo mức độ thiên tai..., để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Quỳnh Lưu là huyện nằm sát biển, trong tương lai cần phải có kịch bản riêng để ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng./.    

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.