Mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ đã nhắn tin ủng hộ người nghèo qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400. Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia sẽ mở cho đến hết ngày 31/12/2019. Nếu như những năm trước, mỗi một lần nhắn tin chỉ ủng hộ được 20.000 đồng, thì lần này có thể lựa chọn số tiền ủng hộ với mức thấp nhất là 20.000 đồng, cao nhất là 2 triệu đồng với mỗi lần nhắn. Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo sẽ được thực hiện theo cú pháp: VNN hoặc VNNn hoặc VNN n gửi 1408 (trong đó, n là số lượng tin nhắn ủng hộ trong lần nhắn tin; số lượng tin nhắn trong một lần nhắn tin giới hạn từ 1-100).
Thủ tướng cho biết, Ngày Vì người nghèo được tổ chức hằng năm vào ngày 17/10, mang lại kết quả tốt cho người nghèo trong quá trình phát triển đất nước, còn một bộ phận người dân gặp khó khăn mà toàn xã hội cần quan tâm. Quan tâm xóa đói giảm nghèo là một định hướng chính sách quan trọng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai. Vừa qua, nước ta đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia. “Tôi mong rằng các thành viên Chính phủ và các đồng chí dự họp hưởng ứng phong trào nhắn tin vì người nghèo”, Thủ tướng đề nghị.
Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung bàn một số nội dung như tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022 và các vấn đề khác.
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục có xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nước ta chủ động khắc phục hậu quả bão lũ, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại. Tích cực triển khai các chính sách chăm lo đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phạm vi quốc gia…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, đó là: ngành Nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm chậm tiến độ; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm; thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, như: dịch sốt xuất huyết, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Cần phải kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, chỉ bàn tiến không bàn lùi, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; làm việc gì cũng phải nghĩ đến đất nước, đến Nhân dân trước; phát huy lòng tự hào dân tộc, tính sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức.
Thủ tướng đề nghị, cần nghiêm túc thực hiện phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chất lượng, hiệu quả hơn nữa các nghị quyết. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chúng ta phải quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2019; tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020…
Box: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tháng 8 tăng nhẹ (0,28%), tính chung cả 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,57%, tiếp tục là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Ước 8 tháng có gần 90.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn. Khách du lịch quốc tế 8 tháng ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%...
THANH HUYỀN