Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quyền lợi người trồng rừng nhìn từ Chương trình 327, 661

PV - 14:15, 24/04/2018

Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc (Chương trình 327) và Dự án trồng 5 triệu ha rừng (Dự án 661) đều chung mục tiêu là tạo điều kiện cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi từ rừng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường. Tuy nhiên, sau 24 năm, nhiều hộ tham gia chưa được hưởng lợi.

“Ngồi mát ăn bát vàng”

Năm 1993, theo lời kêu gọi của Lâm trường Ngân Sơn (nay thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn), hàng trăm hộ đồng bào DTTS ở các xã: Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) đã tham gia nhận đất trồng rừng 327, trong đó có hàng trăm ha rừng thông ở độ tuổi 2-3 năm. Với diện tích đất có rừng thông, các hộ có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ.

Gia đình ông Lường Văn Ngọc (Tuần Giáo, Điện Biên) tích cực chăm sóc cánh rừng với hy vọng sớm được khai thác. (Ảnh tư liệu) Gia đình ông Lường Văn Ngọc (Tuần Giáo, Điện Biên)tích cực chăm sóc cánh rừng với hy vọng sớm được khai thác. (Ảnh tư liệu)

 

Vậy nhưng, năm 2009, khi hàng chục ha rừng thông ở các xã Đức Vân, Vân Tùng được Lâm trường Ngân Sơn tổ chức khai thác, các hộ nhận khoán được trả công chăm sóc, bảo vệ rất bèo bọt. Định mức “trả công” chăm sóc được Lâm trường đưa ra là 100.000 đồng/ha/năm đối với rừng thông trồng, còn đối với rừng tự nhiên 50.000 đồng/ha/năm.

Gia đình ông Triệu Văn Thịnh, dân tộc Dao, ở thôn Phiêng Dượng (xã Đức Vân) nhận khoán bảo vệ, chăm sóc 9ha rừng thông. Với định mức được trả 100.000 đồng/ha thì sau 17 năm (từ lúc nhận khoán năm 1993 đến khi Lâm trường khai thác năm 2009), gia đình ông được nhận 1,7 triệu đồng/ha; tương ứng với 9ha nhận khoán, tổng số tiền gia đình nhận được là 15,3 triệu đồng.

Trong khi đó, cây thông đem lại giá trị kinh tế không nhỏ. Khi khai thác đúng độ tuổi (20 năm tuổi trở lên) thì một cây thông có thể cho 4-5kg nhựa/năm. Với giá bán dao động từ 42-50 nghìn đồng/kg như hiện nay, một cây thông có thể đem lại thu nhập xấp xỉ 250 nghìn đồng/cây/năm. Một ha thông ít nhất có thể trồng 1.500 cây cho đến 3.000 cây. Vị chi, từ khai thác nhựa, mỗi ha thông sẽ cho thu nhập dao động từ 3,7-7,5 tỷ đồng/năm.

Ấy là chưa kể, một cây thông có thể cho nhựa trong thời gian 20 năm nếu như khai thác đúng kỹ thuật. Hơn nữa, sau khi hết nhựa, gỗ thông cũng có giá trị kinh tế cao; mỗi m3 có giá gần hai triệu đồng, một ha rừng thông có sản lượng gỗ trên dưới 100m3.

Với phép tính trên cho thấy, bên giao khoán (Lâm trường Ngân Sơn) đang “ngồi mát ăn bát vàng”. Bởi phần khó nhất là giai đoạn chăm sóc, bảo vệ thông đến khi có thể khai thác thì các hộ nhận khoán đã làm hết. Nhưng khi “ăn quả” thì chỉ mỗi mình bên giao khoán hưởng lợi (?!).

Người dân bao giờ được hưởng thành quả?

Chương trình 327 kết thúc vào năm 1998, kế thừa là Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định thì sau 7 năm, số rừng trồng mới (chủ yếu là rừng trồng keo lai, mỡ,…) sẽ được phép khai thác, sau 10 năm các hộ trồng rừng sẽ được quyết toán và hưởng 50% lợi tức từ những diện tích cải tạo rừng nghèo, đất trống, đồi núi trọc. Tuy nhiên, thực tế lại không như quy định.

Gia đình ông Lường Văn Ngọc là hộ đầu tiên tham gia Dự án 661 ở bản Đông, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) vào năm 2001. Sau 16 năm, hiện gia đình ông đang có 39ha rừng thông, mỡ và keo lai. Trong đó, diện tích rừng keo lai, mỡ đã quá tuổi, nhưng gia đình ông chưa thể tiến hành khai thác vì hồ sơ quyết toán dự án không còn.

Không chỉ riêng gia đình ông Ngọc mà rất nhiều hộ nhận khoán đất rừng 661 ở Tuần Giáo hiện nay vẫn chưa thể hưởng lợi từ rừng chỉ vì… thiếu giấy tờ. Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo, từ năm 1999-2011, toàn huyện có gần 9.000ha rừng được giao khoán chăm sóc, trên 44.000ha được giao khoán bảo vệ, trên 72.000ha khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Tổng giá trị giải ngân thanh toán cho các hộ nhận khoán trên 24 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, do những bản sao, chứng từ lưu giữ ở Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên đã mờ, không thể xác định được số liệu chính xác nên chưa thể hoàn thiện hồ sơ quyết toán cho các hộ nhận khoán, đồng nghĩa các hộ trồng rừng 661 chưa thể khai thác.

Được biết, để có cơ sở quyết toán nhiều diện tích rừng 661, 327, huyện Tuần Giáo đang được UBND tỉnh Điện Biên cho phép sử dụng phương pháp thực địa để lập lại dữ liệu. Điều này chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, và khi Tuần Giáo thí điểm xong thì mới áp dụng cho các địa phương khác trên địa bàn tỉnh để “gỡ khó” cho người trồng rừng.

Như vậy, người trồng rừng 661 sẽ vẫn phải chờ đến khi có số liệu “rõ ràng” thì mới được khai thác diện tích rừng trồng trong hàng chục năm qua.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.