Những con số biết nói
Truyền thống yêu nước của người Việt, đang được phát huy và tỏa sáng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hơn một năm qua. Chưa bao giờ hai tiếng Việt Nam lại trở nên thiêng liêng tha thiết, trở thành điểm tựa tinh thần, trở thành nơi an toàn của con người trước đại dịch toàn cầu như hôm nay.
Để khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước là: "Không ai phải ở lại phía sau”, để có đủ kinh phí mua Vaccine tiêm cho Nhân dân nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất thành lập Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19. Ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thành lập Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và giao cho Bộ Tài chính quản lý.
Với tâm thế ủng hộ Quỹ Vaccine là chia sẻ gánh nặng cho đất nước, những ngày qua, bên cạnh mọi hình thức đóng góp của đông đảo quần chúng Nhân dân, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính trên khắp đất nước đã nhanh chóng đóng góp vào Quỹ mua Vaccine với số tiền rất lớn. Những con số biết nói, những con số đầy tự hào qua hằng giờ, hằng ngày liên tục được xướng lên, được công bố đã phần nào thể hiện tinh thần, trách nhiệm với quê hương, với Tổ quốc, với nhân dân mặc dù đang trong giai đoạn kinh tế rất khó khăn đối với các doanh nghiệp trong hơn 1 năm qua.
Có thể điểm qua một số đóng góp điển hình của các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước cho Quỹ Vaccine như: Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup ủng hộ 480 tỷ đồng; Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova ủng hộ 100 tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn Massan ủng hộ 60 tỷ đồng; Tập đoàn Hưng Thịnh ủng hộ 50 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ủng hộ 50 tỷ đồng; Công ty CP địa ốc Hải Đăng ủng hộ 50 tỷ đồng; Tổng công ty Bảo Việt nhân thọ ủng hộ 50 tỷ đồng; Tập đoàn TH 46 tỷ đồng; Trungnam Group ủng hộ 23 tỷ đồng; Công ty CP VNG ủng hộ 20 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh ủng hộ 20 tỷ đồng; Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk ủng hộ 10 tỷ đồng… Tính đến trưa ngày 8/6, số tiền đã chuyển vào Quỹ Vaccine là 4.168 tỷ đồng, số cam kết nhưng chưa chuyển là 3.252 tỷ đồng.
Tự hào một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân mang tinh thần dân tộc
Còn nhớ vào đầu năm nay, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, Giáo sư Trần Văn Thọ - người nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tại Nhật Bản, từng là Ủy viên chuyên môn trong Hội đồng kinh tế của Thủ tướng Nhật và là thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) đã khẳng định: “Muốn “hóa rồng” Việt Nam nhất định phải có được lớp doanh nhân mang tinh thần dân tộc.
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam cũng đã có được một số tập đoàn tư nhân lớn và đang phát triển mạnh. Họ là những doanh nghiệp đã bứt phá lên hẳn một tầm cao khác so với đại đa số doanh nghiệp tư nhân còn lại. Nhưng số doanh nghiệp như vậy còn đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta cũng chưa có những công ty đưa ra được những sản phẩm ngày càng chiếm được vị trí trên thị trường thế giới, khiến Việt Nam tự hào. Nhật Bản có Toyota, Sony, Canon… hay Hàn Quốc có Samsung, Huyndai, những cái tên được cả thế giới biết đến và là niềm tự hào của đất nước họ. Còn thật khó để kể tên một công ty Việt Nam như thế”.
Tuy nhiên, đã không cần phải đợi quá lâu. Chỉ sau một lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, chẳng những người dân trong nước, mà giờ đây cả cộng đồng quốc tế cũng đã nhớ đến những đóng góp của những doanh nghiệp mang thương hiệu đầy tự hào của người Việt.
Đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, lòng nhân ái, mà còn thể hệ phần nào sức mạnh, nội lực tiềm tàng của các doanh nghiệp Việt. Thể hiện bản lĩnh, khẳng định vai trò đủ sức đảm đương các gánh nặng về phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
Covid-19 có sức tàn phá khủng khiếp nền kinh tế, có thể khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp lao đao, nhưng không đánh gục được nhuệ khí, nhiệt huyết của người Việt. Khó khăn lại là giai đoạn bản lĩnh được thể hiện, đưa doanh nghiệp trụ vững, đột phá, chứng minh "lửa thử vàng". Các doanh nghiệp Việt không những căng mình vượt bão mà còn thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh, bằng nhiều cách đóng góp, đồng hành với Chính phủ đưa dân tộc vượt qua đại dịch.
Trở lại với một nhận định khác của Giáo sư Trần Văn Thọ, cũng vào đầu năm nay rất thực tế đó là: "Một trong những điểm bất ổn lớn nhất hiện nay của kinh tế Việt Nam là mức độ phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng lớn". Tuy nhiên, qua lần thứ 4 bùng phát của đại dịch Covid -19 trên đất nước ta, chúng ta đã được chứng kiến lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ trong từng doanh nghiệp, trong từng doanh nhân Việt.
Đây cũng chính là lúc cần có những cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng, thậm chí ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước, để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển. Khi doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai, họ sẽ nuôi dưỡng, phát huy tinh thần dân tộc. Khi doanh nghiệp có lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc thì chắc chắn nền kinh tế của đất nước đó sẽ “hóa rồng”.
(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)