Nhiều thay đổi tích cực
Hiện tỉnh Gia Lai có 1 đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp là Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San định hướng theo nghệ thuật dân gian, dân tộc. Nhà hát đã thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đồng thời, phục vụ các sự kiện chính trị lớn của tỉnh, phục vụ Nhân dân tại các huyện, thị xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhà hát còn tham gia biểu diễn ngoài tỉnh với các tiết mục mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Hàng năm, Nhà hát phục vụ cơ sở 130 buổi và dàn dựng mới 15 chương trình.
Bên cạnh đó, nghệ thuật quần chúng tại các địa phương ngày càng phát triển, ghi dấu ấn với nhiều chương trình chất lượng. Các địa phương định kỳ tổ chức hội thi văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện. Thông qua các hội thi, hội diễn đã bồi dưỡng, hình thành lực lượng tham gia các hoạt động cấp tỉnh, lựa chọn các đoàn nghệ nhân xuất sắc tham gia các chương trình biểu diễn, quảng bá văn hóa tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hoạt động thư viện có nhiều đổi mới, nhất là nỗ lực đưa sách đến với bạn đọc. Ngoài Thư viện tỉnh và Thư viện Quân đoàn III, toàn tỉnh còn có 16 thư viện huyện, thị xã. Vùng ven TP. Pleiku đã có 22 tủ sách xã và điểm đọc sách lưu động. Số lượng cấp mới thẻ bạn đọc hàng năm không ngừng tăng (năm 2016 cấp mới 1.150 thẻ, năm 2020 cấp 1.900 thẻ). Số lượt sách luân chuyển và phục vụ lưu động tăng từ 33 điểm năm 2016 lên 134 điểm năm 2020.
Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm có những bước tiến vững vàng, đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là những sáng tác về Tây Nguyên, bảo tồn di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Tuy nhiên, tỉnh Gia Lai vẫn chưa có thiết chế hoặc cơ sở vật chất dành riêng cho hoạt động này. Các triển lãm tranh, ảnh hầu hết thực hiện tại hội trường, trụ sở cơ quan và một số tổ chức ngoài trời. Lĩnh vực điện ảnh, phát hành phim và chiếu bóng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 2 rạp chiếu phim tại TP. Pleiku được đầu tư về cơ sở vật chất và chất lượng phim; 2 đội chiếu bóng lưu động phục vụ tại các huyện, thị xã.
Phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Phát triển văn hóa theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, gìn giữ, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội là một trong những mục tiêu chính trong định hướng phát triển của tỉnh. Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Gia Lai có thêm 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá tại thị xã An Khê; 11 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tổng hợp, toàn tỉnh có 29 di tích gồm 14 di tích quốc gia (đạt 93,3%) và 15 di tích cấp tỉnh (đạt 120%) so với mục tiêu quy hoạch. Ngoài ra, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại. Một số di tích đã được trùng tu, tôn tạo. Ngành Văn hóa cũng tổ chức rà soát, kiểm kê và xây dựng danh mục kiểm kê di tích, dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng trong giai đoạn 2018-2023. Tổ chức đăng ký di vật, cổ vật đối với 3 hiện vật thuộc Bảo tàng tỉnh, trong đó có 1 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là phù điêu Phật thuộc văn hóa Champa.
Về di sản văn hóa phi vật thể, từ năm 2017 đến 2019, ngành Văn hóa đã tổ chức kiểm kê 33 hồ sơ trên địa bàn các huyện: Đak Pơ, Chư Păh, Ia Grai; tổ chức nghiên cứu, phục dựng một số nghi lễ truyền thống. Trong 2 đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, toàn tỉnh có 23 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ngành Văn hóa đã huy động lực lượng nghệ nhân tham gia các hoạt động ở các tỉnh, thành để góp phần quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa Gia Lai, đồng thời khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Các sự kiện văn hóa, khoa học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản như: Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hội thảo khoa học về Tây Sơn Thượng đạo, Hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học… thu hút đông đảo sự quan tâm dư luận.
Ông Trần Ngọc Nhung - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Để thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển ngành văn hóa, định hướng đến năm 2030 cần tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa; tuyên truyền, giáo dục và phát huy sức mạnh tổng hợp tham gia hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa. Theo ông Nhung, việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống phải phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, dân tộc, phát huy đầy đủ vai trò chủ thể văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa thực chất. Nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng mức đầu tư cho văn hóa từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, đảm bảo tỷ trọng chi ngân sách cho văn hóa phải tăng tương ứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.
Ngoài sự chủ động của ngành chủ quản, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, di tích lịch sử, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số cũng như bố trí quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa cấp tỉnh./.
Danh mục 4 dự án văn hóa đã được đầu tư đến năm 2020 gồm: thiết bị văn hóa, điện ảnh (TP. Pleiku, ngân sách địa phương); trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng từ ngân sách trung ương); Di tích lịch sử Căn cứ địa cách mạng Khu 10 xã Krong, huyện Kbang (tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa); Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo (gồm tu bổ tại điểm di tích An Khê Đình, An Khê trường tại thị xã An Khê và tu bổ, tôn tạo điểm di tích Nền nhà, Hồ nước và Kho tiền ông Nhạc ở huyện Kông Chro, thương mại điện tử trên 30 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và trung ương).