Chống lũ, chỉnh trị sông Hồng là mục tiêu đầu
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000ha, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội. Tinh thần chung của quy hoạch lần này là xây dựng theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu.
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.
Đồ án đề xuất 8 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% -15% gồm: Thượng Cát – Liên Mạc; Hoàng Mai – Thanh Trì; Chu Phan – Tráng Việt; Đông Dư – Bát Tràng; Kim Lan – Văn Đức; Tàm Xá – Xuân Canh. Các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ. Ngoài ra, còn được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị,…
Tiềm năng tạo hệ sinh thái đô thị xanh
Hà Nội xây dựng, phát triển thành phố theo hướng mặt vào sông chứ không quay lưng ra sông như hiện tại. Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ chia sẻ: “Nếu quy hoạch tốt hai bờ sông Hồng sẽ tạo ra hệ sinh thái đô thị xanh có cảnh quan khác biệt, không chỉ tạo không gian kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường sống, tạo ra nhiều việc làm cho người dân Hà Nội.”
Hiện dự thảo đồ án Quy hoạch sông Hồng chưa được phê duyệt vì còn vướng Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê chưa được phê duyệt và quy trình theo Luật Quy hoạch. Để đẩy nhanh hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: “Khi Hà Nội mở rộng địa giới thì phải giữ được không gian cho sông Hồng, không xây dựng quá nhiều nhà cao tầng hai bên, lấy sông Hồng trở thành trục cảnh quan để người dân và du khách trong nước, quốc tế có thể tận hưởng được sông Hồng. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có nói xây dựng nhà cao tầng để tái định cư, công trình văn phòng, đó là định hướng đúng vì cũng cần có những công trình mang đậm tính văn hoá, công trình mang tính điểm nhấn cho thành phố. Còn dưới bờ sông dứt khoát không xây dựng nhà mà chỉ là công viên, vườn hoa, sân chơi, có thể là bãi bóng… vì có những lúc có thể bị ngập khi lũ về.”
Dưới con mắt của một kiến trúc sư nhiều năm làm việc tại nước ngoài, Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Chủ tịch HTT Group chia sẻ: “Bản Quy hoạch sông Hồng được đặt ra từ lâu, thời gian trước cũng có những đồ án, nhưng lần này đồ án có giá trị sâu, cụ thể và khả thi hơn những đồ án lúc trước. Thành phần chủ đạo của đồ án là tạo thành một dòng sông Hồng xanh giữa lòng thành phố. Những vấn đề về kỹ thuật như thoát lũ được quan tâm thích đáng, bờ đê không được xâm phạm, cảnh quan và yếu tố về không gian kiến trúc xanh với dòng sông là trung tâm.”
“Đồ án đã đề cập đến không gian xanh là thoả đáng, đề cập đến vùng trũng để phòng ngừa thoát lũ, tuy nhiên phải tạo giá trị cho dòng sông: Không gian xanh; dòng nước; không gian kiến trúc ven sông để tạo thành mặt tiền cho thành phố Hà Nội mà từ đó tới nay đã bị lãng quên. Ở các nước trên thế giới cũng xây dựng khu đô thị ven sông, đô thị này khác đô thị khác là ở giá trị ở dòng sông đó. Những điểm nhấn dọc hai bên sông là điều cần quan tâm nhiều. Hiện trạng ở dòng sông Hồng có những cồn đất. Chúng ta cần cố gắng làm cho hai bên sông đẹp, phải đặt vấn đề nghiên cứu, tái tạo cảnh quan” – ông Trị chia sẻ./.