Kết quả biểu quyết tại phiên họp cho thấy, có 463/465 đại biểu tham gia tán thành với việc thông qua Nghị quyết (đạt tỷ lệ 95,07%). Như vậy, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Về dự kiến Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên Luật để chỉ rõ việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật chứ không nêu chung là sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu cũng là những yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đặt ra. Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, đồng thời đôn đốc các Bộ, chính quyền địa phương tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai thi hành các luật. Qua xem xét cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại Đợt 2 của Kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn như Chính phủ đề xuất; đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 01/8/2024…
Về tổ chức thực hiện Chương trình: Đa số ý kiến ĐBQH tán thành các biện pháp tổ chức và bảo đảm thực hiện Chương trình như được nêu trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết; đồng thời, kiến nghị thêm một số giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành luật; nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp... Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý các quy định như thể hiện tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị cần bảo đảm tính cân đối về số lượng các dự án được đưa vào Chương trình, tránh tình trạng trong một kỳ họp, một cơ quan phải đảm nhiệm quá nhiều dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, một trong các quan điểm, định hướng lập Chương trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trong Tờ trình Quốc hội là việc đưa các dự án vào Chương trình phải chú ý đến khả năng của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra để bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành văn bản.
Tuy nhiên, do yêu cầu cấp thiết của thực tiễn vẫn có trường hợp các dự án, dự thảo được Chính phủ, các cơ quan đề xuất tập trung nhiều trong một số lĩnh vực, dẫn đến một số cơ quan phải chủ trì đảm nhiệm nhiều dự án trong một kỳ họp. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, đề xuất dự án, dự thảo đưa vào Chương trình cần lưu ý để hài hòa, hợp lý giữa các lĩnh vực; đồng thời, trong phân công cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh khi cần thiết để cân đối hợp lý số lượng dự án, dự thảo được giao chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý giữa các cơ quan của Quốc hội.