Bước ngoặt mới...
Trong các phiên thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, cùng với việc khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, không ít các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tập trung quan tâm, kiến nghị nhiều giải pháp, giải quyết những khó khăn bức thiết ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đó là vấn đề đất ở, đất sản xuất; quan tâm phát triển hạ tầng; tạo sinh kế; giải quyết việc làm; đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng…
Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), Quốc hội khóa XIV đã nghe Chính phủ báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (2016 - 2018) và ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14, trong đó quyết nghị: “Xem xét báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển KT-XH đối với vùng DTTS và miền núi. Giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021”.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2019) Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, qua nhiều lần bàn thảo, nghị luận, Đề án đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14. Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) để thực hiện từ năm 2021.
Cử tri cả nước còn nhớ, thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành cao về sự cần thiết phải có một Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, các đại biểu đề nghị, bảo đảm kinh phí đầu tư các dự án vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), việc xây dựng Chương trình MTQG thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS, là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.
Đạt kỷ lục về sự đồng thuận...
Có thể nói rằng, đây là một sự quan tâm rất đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong các ý kiến phát biểu, nhiều đại biểu đánh giá, Đề án này được chuẩn bị rất công phu với nhiều tư duy đổi mới và nhiều cách tiếp cận mới. Nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay, tạo cơ hội mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển, toàn diện, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào DTTS so với mức bình quân chung của cả nước.
“Quốc hội ấn nút phê duyệt Đề án… là một món quà vô cùng đặc biệt, thật sự ý nghĩa tặng cho đồng bào vùng DTTS và miền núi”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã xúc động nhấn mạnh khi phát biểu trước Quốc hội.
Với ý nghĩa lớn lao đó, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Có thể nói, đây là con số kỷ lục, một Nghị quyết nhận được số phiếu tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.
Việc Quốc hội phê duyệt Đề án, là cụ thể hóa việc thực hiện khoản 5, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”; tạo bước ngoặt mới, đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Tại kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. “Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện mạnh mẽ quan điểm “miền núi tiến kịp miền xuôi”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững:”
Tiếp tục tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2020), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đề nghị Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp trong phát triển KT-XH thời gian tới, trong đó có giải pháp huy động nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết của Quốc hội..
Cũng trong kỳ họp thứ 10 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ cho biết: “Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để giảm nghèo bền vững, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS, vùng lõi nghèo”…