Đại biểu Nguyễn Trí Tuân, huyện Đakrông nêu thực trạng: Huyện có đến gần 690 ha đất nông nghiệp bị vùi lấp do các đợt lũ lụt khiến người dân không thể sản xuất được. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương, trong khi lịch sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 đang cận kề. Tỉnh cần hỗ trợ các địa phương cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giúp người dân sản xuất trong vụ đông xuân sắp tới.
Tương tự, các đại biểu cũng cho rằng, tỉnh cần có giải pháp khẩn trương đầu tư sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi, đảm bảo giống cây trồng vật nuôi về số lượng và chất lượng để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để lây lan dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi khi khôi phục sản xuất; có kế hoạch hướng dẫn chuyển đổi sản xuất ở những diện tích đất lúa bị đất cát vùi lấp sâu.
Giải trình, làm rõ những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Trước mắt, khẩn trương thực hiện 5 giải pháp gồm: Sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi, đảm bảo nguồn giống đủ để sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021; cải tạo đồng ruộng, khôi phục mặt bằng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất bị bồi lấp.
Ngành chức năng đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão lũ; sửa chữa hạ tầng nghề nuôi trồng thủy sản, tăng cường khai thác vụ cá Bắc để bù đắp sản lượng thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ. Về lâu dài, tỉnh huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp bền vững.