Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Trị: Những kết quả bước đầu sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719

Phạm Tiến - 21:26, 26/09/2023

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có dân số khoảng 0,65 triệu người (2021) trong đó, DTTS chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh. Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để hiểu hơn về những kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị.

Bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị tại buổi trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển
Bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị tại buổi trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển

Xin bà cho biết, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Trị được triển khai như thế nào?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Ngay sau khi Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG 1719 được ban hành, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương liên quan, tham mưu xây dựng trình HDND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ -HĐND ngày 31/5/2022 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025.

Công tác chỉ đạo, điều hành được kiện toàn theo hệ thống quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã (theo quy định của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP). Nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện và tham mưu hướng dẫn thực hiện 10 Dự án thành phần của Chương trình đã được giao cụ thể cho các sở, ngành và UBND huyện vùng đồng bào DTTS.

Song song là công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng, thường xuyên phổ biến, quán triệt sâu rộng về mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình và các nội dung trong Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. 

Nội dung tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về Chương trình MTQG 1719; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong xã hội, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình MTQG 1719.

Công trình nước sạch ở thôn Ba Tầng, xã Đa Krông, huyện Đa Krông (Quảng Trị) từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đang hoàn thiện bể nước cuối cùng đề đưa vào vận hành sử dụng
Công trình nước sạch ở thôn Ba Tầng, xã Đa Krông, huyện Đa Krông từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đang hoàn thiện bể nước cuối cùng đề đưa vào vận hành sử dụng

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Trị đã đạt được  kết quả như thế nào, thưa bà?

Bà Hồ Thị Lệ Hà:  Sau khi Quyết định 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1 (Dự án 4) của Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025; Nghị định 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính được ban hành và có hiệu lực;  Các vướng mắc về định mức đầu tư và cơ chế thực hiện được giải quyết một cách cơ bản. Đây là điều kiện quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Hiện nay, hầu hết các địa phương ở Quảng Trị đang triển khai các thủ tục giải ngân nguồn vốn đối với Dự án 1 được phân bổ trong kế hoạch năm 2022 và năm 2023. Rà soát, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án 2 về Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, công trình nhà văn hóa thôn, công trình nước sinh hoạt tập trung, công trình điện sinh hoạt, công trình trường tiểu học triển khai việc hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ xong 34 lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên người DTTS. Thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 9) về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", Ban Dân tộc đã tổ chức xong 20 lớp tập huấn, nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông cho nhóm nòng cốt tại cộng đồng thôn bản; tổ chức 10 buổi Tọa đàm giao lưu tìm hiểu kiến thức tại 10 trường học vùng DTTS (Trường Dân tộc nội trú, Dân tộc bán trú); Tổ chức 10 Hội thi tại các xã có tỷ lệ số vụ tảo hôn cao. Tiến hành cấp phát 62 USB để trình chiếu phim ảnh tuyên truyền do Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Quốc hội sản xuất; treo 31 tấm Pano tuyên truyền song ngữ Việt–Bru Vân Kiều đến 31 xã ở vùng DTTS và miền núi.

Thực hiện Dự án 10, Ban Dân tộc cùng các huyện tổ chức 03 Hội nghị biểu dương điển hình Người có uy tín, 02 Hội nghị cung cấp thông tin về Kế hoạch Chương trình MTQG 1719 và phát huy vai trò Người có tín trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 01 Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật; 6 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý, gián 2.200 tờ gấp pháp luật với nội dung trợ giúp pháp kèm theo.

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Chương trình 1719 ở địa phương, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại các xã, các đơn vị có liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Đến nay, giá trị giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình đạt tỷ lệ 30%, trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển đạt tỷ lệ 41,75%, nguồn vốn sự nghiệp đạt tỷ lệ 15,4%.

Tuyến đường liên bản Ka Tăng- Ke Đá, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) sử dụng nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng
Tuyến đường liên bản Ka Tăng- Ke Đá, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa) sử dụng nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Việc triển khai các dự án, nội dung Chương trình MTQG 1719 có tác động như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội hiện nay của đồng bào các DTTS ở Quảng Trị, thưa bà?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Mặc dù thời gian chính thức triển khai thực hiện các nội dung (Tiểu dự án, Dự án) của Chương trình chỉ mới được hơn 01 năm (thời điểm Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc có hiệu lực thi hành ngày 15/8/2022), nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tinh thần quyết tâm cao của cộng đồng, Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả ban đầu, có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS ở Quảng Trị.

Nổi bật là hộ nghèo DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được giải quyết tình trạng thiết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng (Dự án 01). Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân (Tiểu dự án 1 - Dự án 3).

Đi cùng với nội dung hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cộng đồng vùng DTTS được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống (Dự án 4). Đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; thực hiện bình đẳng giới (Dự án 8); giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Tiểu dự án 2 -Dự án 9). Xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS (Dự án 10).

Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) từ đầu năm 2022 đến đầu năm 2023 giảm 5,85%, vượt trên mục tiêu Chương trình đặt ra (hàng năm giảm 3-4%). Đây là dấu hiệu khởi sắc bước đầu sau một thời gian ngắn thực hiện mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình MTQG 1719.

Chúng tôi tin chắc với những kết quả đã đạt được và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân vùng DTTS trong thực hiện, thụ hưởng Chương trình sẽ khơi dậy, phát huy nguồn nội lực, tiềm năng vốn có để đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Quảng Trị.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.