Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Quảng Ninh: Người dân vùng cao lo lắng khi "con đến tuổi mà chưa được tiêm mũi vắc xin nào"

Mỹ Dung - 19:31, 09/06/2023

Trong khoảng gần tháng nay, Quảng Ninh là một trong nhiều địa phương trên cả nước thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, dẫn đến việc không ít trẻ bị nhỡ lịch tiêm. Nhiều người dân, đặc biệt là khu vực vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đang rất lo lắng khi “con đến tuổi mà chưa được tiêm mũi nào”.

Tình trạng thiếu vắc xin mở rộng tại các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa khiến bà con thấp thỏm lo
Tình trạng thiếu vắc xin mở rộng tại các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa khiến bà con thấp thỏm lo

Vắc xin 5 trong 1 là loại vắc xin phòng 5 bệnh khác nhau được kết hợp chỉ trong 1 mũi tiêm, nhằm chủ động bảo vệ trẻ khỏi 5 bệnh nguy hiểm hàng đầu, bao gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra. Đây là vắc xin quan trọng trong những ngày tháng đầu đời cho trẻ. Theo khuyến cáo, trẻ phải hoàn thành 3 mũi vắc xin 5 trong 1 trước 1 tuổi và nhắc lại sau 9 tháng để đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Trang - Phòng khám đa khoa quốc tế Medcare, Tp. Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: “Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là trong những năm đầu đời hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Nhất là sau dịch Covid-19 có diễn biến thất thường, nên việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là rất quan trọng, không chỉ tạo miễn dịch cho trẻ mà miễn dịch chung cho cả cộng đồng”.

Thế nhưng, trên thực tế trong vài tháng trở lại đây, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều đang xảy ra tình trạng thiếu vắc xin mở rộng tiêm cho trẻ. Ngay tại Tp. Hạ Long, nhiều phụ huynh không tiêm cho con được tại trạm y tế phường, đành ngậm ngùi ra các phòng tiêm y tế dịch vụ.

Tại thành phố Hạ Long, nhiều phụ huynh đánh ngậm ngùi đưa con đi tiêm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ
Tại Tp. Hạ Long, nhiều phụ huynh đành ngậm ngùi đưa con đi tiêm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ

Chị Nguyễn Thúy M., một người dân tại thành phố Hạ Long có con gái hơn 3 tháng tuổi nhưng nhiều lần đến hỏi trạm y tế phường thì đều được thông báo tạm hết vắc xin.

“Mấy lần đến hỏi mà cán bộ vẫn báo là chưa có. Chúng tôi cũng không biết đến khi nào mới có vắc xin. Biết là tiêm dịch vụ tốn kém nhưng cũng phải cố gắng cho con”, chị M. ngậm ngùi.

Tiêm chủng dịch vụ có thể là sự lựa chọn thay thế để đảm bảo cho trẻ được tiêm đúng lịch, xong đáng nói là không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để cho con đi tiêm mũi dịch vụ và nhất là trẻ ở vùng sâu, vùng xa thậm chí còn không có điểm tiêm.

Chị Chíu Thị T., dân tộc Dao, xã Húc Động, huyện Bình Liêu thể hiện rõ sự lo lắng của mình: “Con trai 4 tháng rồi cũng đã được tiêm lần nào đâu. Mà nếu đi ra trung tâm tiêm dịch vụ thì không có tiền. Biết là không tốt nhưng cũng không biết làm sao nữa. Đành phải chờ vậy thôi!”.

Thiếu vắc xin mở rộng tại các trạm y tế xã, phường đang là tình trạng chung, đặc biệt tại địa phương vùng cao như Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu... Mặc dù, trung tâm y tế đã có phương án tiêm dịch vụ, nhưng số lượng đăng ký không nhiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Đoàn Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ cho biết, Trung tâm hiện thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, như vắc xin "5 trong 1". Để không gián đoạn lịch tiêm, Trung tâm Y tế yêu cầu Trạm Y tế hướng dẫn đưa trẻ tiêm vắc xin dịch vụ, nhưng số lượng phụ huynh đưa con đến tiêm không nhiều.

Ông Thanh chia sẻ thêm: “Tại đây, điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, số lượng người bỏ tiền ra đi tiêm vắc xin dịch vụ rất ít. Mặc dù đã triển khai tiêm dịch vụ nhưng số người tham gia không nhiều, chỉ có một số người ở thị trấn tham gia, còn ở các xã thì hầu như không có”.

Trong giai đoạn thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng phòng bệnh cho trẻ như hiện nay, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo tất cả mọi người chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm chung, như thường xuyên rửa tay, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ em; chủ động mang khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, giữ nhà cửa thông thoáng...