Nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn
Vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh gồm có 67/177 xã, phường, thị trấn. Đồng bào DTTS chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú ở trên 85% diện tích của tỉnh, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia. Trên thực tế, khoảng cách về thu nhập, trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi so với các vùng, miền khác còn chênh lệch khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, thoát nghèo chưa bền vững.
Trước tình hình đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 về Chương trình phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, đã huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Điển hình là HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021, trong đó xác định Ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình theo phân cấp ngân sách nhà nước. Tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.665,0 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện: 1.500 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác: 200 tỷ đồng.
Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 Quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Đưa vốn chính sách đến với hộ dân
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tập trung nguồn vốn các Ngân hàng cho vay tại các xã thuộc phạm vi Chương trình và Nghị quyết số 06-NQ/TU để phát triển sản xuất, tạo việc làm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách tín dụng tại địa bàn 65 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đến 30/7/2023 dư nợ cho vay tại các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 4.284,9 tỷ đồng (bình quân là 65,92 tỷ đồng/xã), cao hơn 1,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn địa bàn; với 32.446 khách hàng còn dư nợ, đạt mức dư nợ bình quân 132 triệu đồng/khách hàng.
Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cũng đã huy động các nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn tín dụng chính sách triển khai cho vay tại vùng đồng bào DTTS, miền núi biên giới, hải đảo, trong giai đoạn 2021-2023 đã triển khai cho 18.502 lượt khách hàng vay số tiền 1.203,1 tỷ đồng, đến 30/6/2023 tổng dư nợ 1.662,1 tỷ đồng với 36.170 khách hàng vay còn dư nợ; bình quân dư nợ 25,6 tỷ đồng/xã, cao hơn 1,2 tỷ đồng/xã của toàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh đã sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân 78,451 tỷ đồng cho 154 dự án mới, với 1.146 hộ vay; dư nợ cho vay đạt 78,185 tỷ đồng với 1.238 hộ vay qua 191 dự án.
Cuộc sống của gia đình anh Lỷ Văn Chiến ở thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, những năm gần đây đã có những thay đổi rõ nét nhờ phát triển kinh tế rừng. Với 50 triệu đồng được vay từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, gia đình anh Chiến đã trồng thêm được 2ha cây quế, nâng tổng số diện tích quế hiện có của gia đình lên 12ha. Ngoài trồng cây quế, gia đình anh còn trồng rất nhiều các loại cây dược liệu và cây lấy gỗ như quế, ba kích, sa mộc.
Anh Chiến chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, tôi đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp cho nên người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay này để phát triển kinh tế gia đình”.
Huy động xã hội hóa
Song song với đó, Quảng Ninh cũng huy động xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân để hỗ trợ cho người dân vùng DTTS, miền núi, hải đảo. Năm 2021, Ủy ban MTTQ các cấp, các Hội và đoàn thể đã vận động huy động nguồn lực xã hội và trích nguồn Quỹ "Vì người nghèo", tổ chức trao tặng 28.863 suất quà Tết, với số kinh phí trên 14,9 tỷ đồng; triển khai xây mới, sửa chữa 281 nhà với tổng số tiền trên 11,326 tỷ đồng; trích số tiền 95 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, thông qua Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là thành viên các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phát triển sản xuất.
Năm 2022: Quỹ cấp tỉnh đã tiếp nhận được số tiền ủng hộ hơn 617 triệu đồng; chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai đồng loạt huy động 100% nguồn lực xã hội, để tổ chức các hoạt động chăm lo, thăm tặng 210.421 suất quà Tết Nguyên đán Nhâm Dần, với tổng số tiền và hiện vật trị giá 99.750,94 triệu đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh (lần đầu tiên đề xuất không sử dụng tiền ngân sách).
Trong 2 năm (2021-2022), số hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh giảm từ 1.056 hộ xuống còn 170 hộ, trong đó số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết: Năm 2023, các cấp, các ngành đã tập trung huy động nguồn lực xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã hoàn thành hỗ trợ 66 hộ thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi còn ở nhà tạm, nhà ở dột nát, từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhiều cá nhân, đơn vị cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất đối với địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, duy trì thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách, các hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS tại miền núi, hải đảo.