Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ninh: Đảng viên người DTTS tiên phong phát triển kinh tế

Mỹ Dung - 09:38, 08/04/2023

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhiều đảng viên là người DTTS đã đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình; tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng tích cực tham. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát huy nội lực, tích cực sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đảng viên Sần Văn Cắm đầu tư mô hình nuôi gà Tiên Yên thương phẩm theo quy trình VietGAP
Đảng viên Sần Văn Cắm đầu tư mô hình nuôi gà Tiên Yên thương phẩm theo quy trình VietGAP

Nhắc đến anh Sần Văn Cắm (thôn Bản Phai - Nà Tứ, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên), người dân trong thôn luôn thấy hình ảnh người đảng viên cần mẫn, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm để có được sự thành công, với mô hình kinh tế nuôi gà Tiên Yên thương phẩm theo quy trình VietGAP cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, gia đình anh đã gây dựng được trang trại nuôi hơn 4.000 con gà Tiên Yên, mỗi năm lợi nhuận thu được trên 100 triệu đồng.

Ngoài ra, với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, anh Cắm luôn tích cực, gương mẫu đi đầu trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương. Năm 2020, anh hiến 1,2 km đất rừng trồng keo của gia đình để làm tuyến đường dẫn vào đập chứa nước; vận động người dân thôn hiến đất, đóng góp ngày công làm đường, làm đập chứa nước dẫn nước về đồng. Qua đó, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất.

“Tôi luôn nghĩ được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao, phải luôn là tấm gương đi đầu để bà con trong thôn học tập và làm theo. Tôi đã có được kinh tế gia đình ổn định thì phải giúp đỡ các hộ gia đình còn khó khăn có cuộc sống tốt hơn”, anh Cắm chia sẻ.

Đảng bộ xã Hà Lâu hiện có 161 đảng viên, sinh hoạt ở 10 chi bộ. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ xã luôn khuyến khích cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, mạnh dạn đổi mới tư duy, xây dựng thành công các mô hình kinh tế để người dân học tập và nhân rộng.

Nhờ phát huy được sự nêu gương của cán bộ, đảng viên nên từ một xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tiên Yên và của tỉnh, đến nay diện mạo của Hà Lâu đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2019, xã Hà Lâu đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 giảm còn 0,56%, thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/năm.

Anh Tằng A Tài, ngoài trồng rừng còn thu mua các loại hồi, quế của bà con trong thôn và một số thôn lân cận để bán lại cho thương lái.
Anh Tằng A Tài, ngoài trồng rừng còn thu mua các loại hồi, quế của bà con trong thôn và một số thôn lân cận để bán lại cho thương lái

Còn đối với Bí thư Chi đoàn Tằng A Tài, dân tộc Dao, thôn Phai Làu, xã Đồng Văn cũng là tấm gương vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, được nhiều thanh niên DTTS học tập.

Với khát vọng phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình, năm 2020 anh Tài tập trung chăm sóc hơn 2 ha rừng hồi của gia đình và mở rộng thêm 2 ha rừng bạch đàn, quế, hồi… Không dừng lại ở đó, anh Tài còn mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để thu mua các loại hồi, quế của bà con trong thôn và một số thôn lân cận để bán lại cho thương lái. Từ việc trồng rừng và kinh doanh, mỗi năm cho gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng.

“Đến nay, diện tích rừng của gia đình tôi phát triển tương đối tốt, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư trồng thêm các loại rau bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương góp phần mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng”, anh Tài chia sẻ thêm.

Đặc biệt, trong cuộc sống, anh Tài rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cách làm kinh tế cho bà con trong thôn, nhất là những thanh niên trẻ có ý chí vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

Nhận xét về anh Tài, chị Trần Thị Hường, Bí thư Huyện đoàn Bình Liêu cho biết: “Đồng chí Tài là một Bí thư Đoàn gương mẫu dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và động viên đoàn viên thanh niên trong xã tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Theo Bí thư Huyện đoàn Trần Thị Hường, sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên người DTTS như anh Tài và rất nhiều đảng viên trẻ khác ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, đã củng cố thêm niềm tin, tạo ảnh hưởng, lan tỏa đến nhiều hộ dân khác trong vùng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát huy nội lực, tích cực sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Với sự đóng góp của họ, đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Ninh vào cuối năm 2022, chỉ còn 0,067% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều", chị Hường nhìn nhận

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.