Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ninh: “Bài kiểm tra” bất ngờ từ cơn bão số 3 cho tuyến đê Điền Công ở Trưng Vương

Mỹ Dung - 14:15, 11/10/2024

Cơn bão số 3 vừa qua cùng ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, được xem là "bài kiểm tra" bất ngờ mà thiên nhiên dành cho công tác phòng chống lụt bão của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có việc bảo vệ các công trình đê điều như tuyến đê Điền Công, phường Trưng Vương (TP. Uông Bí).

Chính quyền và người dân đồng lòng, đồng tâm vượt qua bão lũ
Chính quyền và người dân phường Trưng Vương đồng lòng, đồng tâm vượt qua bão lũ

Đồng lòng, đồng tâm vượt qua bão lũ

Bão đổ bộ và hoàn lưu sau bão mưa to kéo dài đã làm mực nước dâng cao, tràn tuyến đê ở Điền Công. Còn nhớ, phát hiện kịp thời, chính quyền địa phương đã huy động hệ thống chính trị, các phương tiện, thiết bị, vật tư tại chỗ cùng với người dân tham gia ứng cứu đê. Ngay lập tức, chính quyền địa phương đã cử lực lượng đi tuần tra dọc tuyến đê để kịp thời kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở; thông báo cho những người già, trẻ em thu dọn tài sản nhẹ dễ di chuyển đến nơi cao, nơi an toàn để phòng vỡ đê có thể ứng cứu kịp thời.

Theo đó, người chạy mang cọc tre, nhà mang bao bì ra đựng buộc cát tham gia cùng ứng cứu song song nhiều biện pháp. Lực lượng Ban chỉ huy quân sự thành phố, Trung đoàn 244, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Bắc, các doanh nghiệp có máy móc thiết bị chung tay tham gia ứng cứu tuyến đê từ 3 giờ sáng đến 22 giờ ngày 8/9 đã đảm bảo an toàn cho tuyến đê Điền Công.

Ông Vũ Xuân Phiến, Bí thư khu trưởng khu Đền Công 1 nhớ lại khoảnh khắc ấy, vào khoảng 5 giờ sáng khi ra đê và phát hiện ra mực nước lên cao nguy cơ tràn đê, ông đã ra sức hô hào người dân.

“Từ già trẻ, gái trai chung tay giữ ngăn chặn tràn đê, huy động có gì mang ra đó. Nhà nào có phương tiện gì huy động hết. Cây chống mái của nhà cũng sẵn sàng đem ra để chống đập tràn. Dân làm nhiệt tình, rồi cán bộ phường cũng xắn tay và trực tiếp chỉ đạo luôn”, ông Phiến nói.

Mỗi người một tay đóng các bao bì cát kịp thời để đắp đê
Mỗi người một tay đóng các bao bì cát kịp thời để đắp đê

Phát hiện thêm tuyến đê ở miếu Cây thuộc khu Đền Công 3 sau khi lũ tràn qua có hiện tượng sạt, hở hàm ếch ở dưới chân đê, ngay sáng mùng 9/9, UBND phường Trưng Vương đã huy động tối đa các lực lượng, phương tiện và sự hỗ trợ của các phường lân cận để tham gia ứng cứu kịp thời và gia cố tuyến đê.

Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Trưng Vương Nguyễn Hồng Quảng cho biết: Qua cơn bão số 3, chúng tôi đánh giá cao sự chung tay, đoàn kết của người dân để thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão. Tại tuyến đê hơn 20 nghìn bao cát do hơn 1 nghìn lượt người dân và các đơn vị cùng chung tay đắp lên. Ngay sau bão và hoàn lưu sau bão, chính quyền địa phương cũng vận động người dân vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhau dần ổn định cuộc sống.

Chủ tịch phường Nguyễn Hồng Quảng cho hay, từ ảnh hưởng thiệt hại nặng nề mà cơn bão và hoàn lưu bão gây ra cho chúng tôi thấy rõ hơn, tính cấp thiết đưa ra giải pháp thích hợp để có thể ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp như cơn bão số 3. Trước mắt là đảm bảo an toàn cho tuyến đê Điền Công.

Hơn 20 nghìn bao cát do hơn 1 nghìn lượt người là nhân dân và các đơn vị cùng chung tay đắp lên
Hơn 20 nghìn bao cát do hơn 1 nghìn lượt người là Nhân dân và các đơn vị cùng chung tay đắp lên

Cần sớm đầu tư, nâng cấp

Theo ông Quảng, tuyến đê Điền Công là đê cấp IV dài trên 11,47km, chức năng bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho hàng trăm hộ dân và đất canh tác nông nghiệp, đầm, ao nuôi trồng thuỷ sản của 3 khu là Đền Công 1, Đền Công 2 và Đền Công 3 ở phường Trưng Vương, TP. Uông Bí...

Tuy nhiên, tuyến đê này được đầu tư từ lâu, nay đã xuống cấp. Cùng với đó, tuyến đê có 7 cống thoát nước nhưng cũng xuống cấp, mỗi khi gặp triều cường dẫn đến rất khó tiêu, thoát nước.

Bà Nguyễn Thị Trúc, người dân sinh sống ở phường cho biết: “Tuyến đê Điền Công này có từ lâu lắm rồi ấy chứ. Bây giờ cũng có nhiều điểm bị xói lở rồi. Như đợt bão hồi tháng 6 và cơn bão số 3 vừa rồi chúng tôi lo lắng lắm, chỉ lo tràn đê, vỡ đê thì nguy hiểm vô cùng!”.

Điểm có hiện tượng sạt, hở hàm ếch dưới chân đê được phát hiện kịp thời
Điểm có hiện tượng sạt, hở hàm ếch dưới chân đê được phát hiện kịp thời

Tuyến đê đã được nâng cấp, sửa chữa từ năm 2004. Đến giai đoạn 2017-2019 mới được tu bổ thêm 2,1km. Còn lại hơn 9km chưa được quan tâm nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, do thân đê đắp chủ yếu bằng đất pha cát, qua nhiều năm bị xói mòn, khiến cao trình đê bị thấp dần theo thời gian. Mặc dù, đã được nâng cấp nhưng do thiếu nguồn lực đầu tư nên tuyến đê này chỉ được sửa chữa nhỏ, chưa đồng bộ.

“Hiện nay, toàn tuyến đê Điền Công có một số đoạn đang bị xuống cấp. Rất mong tỉnh Quảng Ninh sớm quan tâm đầu tư gia cố tuyến đê còn lại, đảm bảo an toàn và ổn định cho người dân địa phương”, Chủ tịch UBND phường Trưng Vương chia sẻ thêm.

Người dân địa phương đã dần ổn định cuộc sống sau cơn bão số 3
Người dân địa phương đã dần ổn định cuộc sống sau cơn bão số 3

Ngoài tuyến đê Điền Công, cơn bão số 3, cùng ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão cũng đã đe dọa đến tuyến đê Hồng Phong (TX. Đông Triều), đê Đồng Bái (TX. Quảng Yên)... gây sạt lở tại một số điểm và nguy cơ nước tràn qua đê.

Theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chánh Văn phòng Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, khả năng chống chịu của hệ thống đê ở Quảng Ninh với bão như cơn bão số 3 vừa qua là mất an toàn rất cao.

"Hệ thống đê điều phải được nâng cấp lên để kịp thời thích ứng với thiên tai. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh cho phép lập đề án rà soát đánh giá hiện trạng đê điều. Thông qua đề án đánh giá cụ thể từng tuyến đê để có những giải pháp thích hợp để ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp như bão số 3 vừa qua”, ông Phương nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.