Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Tình trạng tảo hôn từng bước được đẩy lùi

PV - 14:25, 29/05/2019

Nếu như năm 2016, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có đến 462 trường hợp tảo hôn, thì đến hết năm 2018 giảm xuống còn 150 trường hợp. Nhiều trường hợp chỉ mới học hết lớp 8 đã có ý định kết hôn nhưng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đây là kết quả từ việc thực hiện đồng bộ Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020”.

Trước đây, huyện miền núi Ba Tơ từng là điểm nóng về tình trạng tảo hôn. Do đó, khi Đề án được triển khai, chính quyền huyện Ba Tơ đã tổ chức thực hiện với nhiều cách làm mới. Huyện đặc biệt quan tâm đến công tác theo dõi, quản lý số trẻ em trong độ tuổi vị thành niên để kịp thời phát hiện, can thiệp đối với những trường hợp có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi.

Cán bộ xã liên lạc thường xuyên với các già làng để kịp thời nắm bắt được những gia đình có ý định cho con em kết hôn khi chưa đủ tuổi. Từ đó, cán bộ chuyên trách tiếp cận, tuyên truyền, động viên gia đình dừng tổ chức hôn lễ. Ví dụ như cách đây không lâu, cán bộ xã Ba Tô (huyện Ba Tơ) phát hiện gia đình bà Phạm Thị Míp chuẩn bị cho con gái mới học lớp 9 lấy chồng. Biết được thông tin này, cán bộ Tư pháp xã Ba Tô cùng cán bộ phụ nữ và già làng đến nhà bà Míp để tuyên truyền về mặt trái của tảo hôn.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Ảnh minh họa Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Ảnh minh họa

Phải mất một thời gian dài vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, gia đình bà Míp mới đồng ý dừng đám cưới của con gái.

Theo Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Ba Tơ, ngoài việc tuyên truyền cho phụ huynh, hoạt động tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của tảo hôn... cũng được đưa vào nhà trường. Các hoạt động sân khấu hóa liên quan đến tảo hôn được tổ chức thường xuyên để chính bản thân các em học sinh hiểu được tác hại của tảo hôn. Nhờ đó, năm 2016, toàn huyện Ba Tơ có 161 trường hợp tảo hôn thì đến cuối năm 2018 chỉ còn 71 trường hợp.

Tại huyện miền núi Sơn Hà, một thời gian dài tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến, nhưng từ khi triển khai Đề án, tình trạng tảo hôn trong huyện đã giảm đi đáng kể. Năm 2016, toàn huyện có 92 trường hợp tảo hôn thì đến cuối năm 2018 chỉ còn 24 trường hợp.

Ông Dương Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà chia sẻ: Ngoài công tác tuyên truyền, huyện Sơn Hà cũng tổ chức tuyên dương những gương tiêu biểu, những thôn, bản đã chấm dứt tình trạng tảo hôn để những nơi chưa thực hiện tốt công tác này phấn đấu làm theo. Với cách làm đồng bộ, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Sơn Hà đã giảm mạnh.

Trao đổi về cách thức triển khai Đề án mang lại hiệu quả cao, ông Nguyễn Đức On, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Ngoài việc tổ chức tuyên truyền đến các trường học ở các huyện miền núi về nội dung sức khỏe sinh sản vị thành niên, những tác hại của việc tảo hôn…, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện điểm Sơn Hà, Ba Tơ tổ chức Hội thi Tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Hội thi sân khấu hóa tại trường, cụm cho đông đảo học sinh.

Bên cạnh đó, các huyện còn lồng ghép một số chính sách khác để tổ chức tuyên truyền cho cán bộ công chức, viên chức, Người có uy tín và người dân ở thôn, xã phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

“Hiện nay, không chỉ các huyện Ba Tơ, Sơn Hà mà nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã giảm được số trường hợp tảo hôn. Đây là kết quả đáng ghi nhận của tỉnh Quảng Ngãi trong việc thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2016-2020”, ông On cho biết thêm.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.