Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Người dân Ba Giang bất an vì nứt núi

PV - 15:32, 28/12/2018

Sau đợt mưa lớn, trên sườn núi Voang Mo Ơn, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) xuất hiện một vết nứt núi dài khoảng 100m, rộng 150m. Hiện tượng này đang khiến cho hàng trăm hộ dân và học sinh ở chân núi đang thấp thỏm lo sợ.

Cán bộ UBND xã Ba Giang đi kiểm tra tình hình sạt lở núi Voang Mo Ơn. Cán bộ UBND xã Ba Giang đi kiểm tra tình hình sạt lở núi Voang Mo Ơn.

Nỗi lo bị núi đè

Nhiều năm qua, hơn 200 học sinh và giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Ba Giang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) luôn phập phồng lo lắng mỗi khi có mưa lớn. Lý do vì ngôi trường này dựa lưng vào ngọn núi Voang Mo Ơn cao hàng trăm mét, trong khi đó, trên sườn núi của ngọn núi này đã xuất những nứt lớn có nguy cơ sạt lở, trượt đất vùi lấp, đe dọa tính mạng thầy cô giáo và các em học sinh ở dưới chân núi.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường TH và THCS Ba Giang cho biết: Hiện tại, trường chính nằm dưới chân núi Voang Mo Ơn có 209 học sinh đang theo học. Mỗi khi trời mưa, các em đến lớp luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bởi trên đỉnh núi, các vết nứt đã lộ thiên và dễ tạo dòng chảy xói đất trôi xuống chân núi bất cứ lúc nào.

Cũng theo ông Dũng, năm 2011 khi ông về công tác thì trường mới chỉ xây 1 dãy phòng, đây là trường học chung cho cả các thôn trong xã, sau này được xây dựng kiên cố thêm nhiều dãy phòng. Bắt đầu từ năm 2013, khu vực này đã xảy ra tình trạng sạt lở, nứt núi, mỗi năm tình hình lại càng nghiêm trọng hơn. “Sau đợt mưa bão số 9 vừa qua, hiện tượng sạt lở vẫn tiếp diễn, một số đất đá dưới chân núi đã sạt lở, gây hư hỏng hàng rào của trường học khoảng 15m. Vì khối lượng đất đá phía sau trường là rất lớn nên việc đảm bảo học tập, giảng dạy vào mùa mưa gặp khó khăn. Nhà trường luôn chủ động theo dõi diễn biến mưa lũ và kiểm tra tình hình sạt lở để kịp thời di chuyển học sinh”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Hiện, không chỉ Trường Tiểu học và THCS xã Ba Giang mà nhiều hộ dân và Trung tâm hành chính xã Ba Giang gồm trụ sở UBND xã, Trạm Y tế xã cũng đều nằm dựa hoàn toàn vào chân núi Voang Mo Ơn. Ông Trần Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Ba Giang cho hay: Trước đây, vào năm 2013, tại khu vực này cũng đã xảy ra sạt lở núi, làm hư hỏng nghiêm trọng trụ sở trạm y tế xã. Đồng thời, trong các đợt mưa bão năm 2017 đã làm sạt lở nghiêm trọng đất đá tại núi Voang Mo Ơn, gây cô lập hoàn toàn xã Ba Giang trong thời gian hơn 10 ngày. Chính vì vậy, trong mùa mưa bão năm 2018, hàng chục hộ dân ở dưới chân núi luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ núi lở. Cán bộ, công chức đang làm việc trại trung tâm hành chính xã cũng không yên tâm làm việc.

Cần sớm có phương án di dời

Hiện tại trên địa bàn xã Ba Giang, lượng mưa đã giảm nhưng nhiều tảng đá lớn nằm vắt vẻo trên núi vẫn có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Theo khảo sát của UBND xã Ba Giang, trên đỉnh núi Voang Mo Ơn có nhiều tảng đá lộ thiên, đặc biệt có một tảng đá lớn dài khoảng 5m, cao gần 3m nằm gối đầu trên các tảng đá nhỏ rất lỏng lẻo, nguy cơ sạt lở xuống các công trình dưới chân núi là rất lớn. Ngoài ra, nhiều mạch nước ngầm sau các đợt mưa chảy ra từ trong hốc núi, khi mưa lớn, nước chảy mạnh sẽ gây sạt lở.

Trước tình trạng này, xã đã báo cáo lên huyện và UBND huyện Ba Tơ thuê đơn vị chuyên môn khảo sát các vết nứt trên núi Voang Mo Ơn. Kết quả khảo sát cho thấy những vết nứt trên sườn núi rất nguy hiểm. Nếu những vết nứt này gây sạt trượt đất thì toàn bộ Trung tâm hành chính xã Ba Giang, trong đó có điểm Trường Tiểu học và THCS Ba Giang sẽ bị vùi lấp hoàn toàn. “Đơn vị tư vấn đã có đánh giá sạt lở và lập Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và quy hoạch bố trí khu trung tâm xã Ba Giang mới nhằm phòng tránh thiên tai trên địa bàn xã Ba Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, với tổng kinh phí thực hiện 112 tỷ đồng. Hiện, xã chỉ chủ động sơ tán dân mỗi khi xảy ra mưa lũ, huy động các lực lượng tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Xã Ba Giang rất mong có giải pháp để di dời các công trình, nhà dân tránh vết nứt núi đang diễn ra ngày càng nhanh”, ông Trần Thanh Hoài cho hay.

Được biết, để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tránh tâm lý bất an trong công tác và học tập của cán bộ, học sinh, hộ dân xã Ba Giang, UBND huyện Ba Tơ đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, di dời Trung tâm hành chính xã Ba Giang đến nơi an toàn. Trước mắt, UBND huyện Ba Tơ chỉ đạo UBND xã Ba Giang tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ việc tạm ngừng khai thác, trồng mới cây bản địa, không cho đào bới, xâm lấn khu vực có nguy cơ sạt lở tại núi Voang Mo Ơn nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ sạt lở núi do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, UBND xã Ba Giang cũng đã xây dựng phương án di dời dân toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi có sự cố thiên tai xảy ra.

PHƯƠNG TRANG

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.