Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Loay hoay giải bài toán việc làm cho trí thức trẻ Đề án 500

Thành Nhân - 09:48, 19/04/2021

Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500) đã kết thúc từ giữa năm 2020. Không thể phủ nhận những đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ này tại những địa phương nơi công tác, nhưng nhiều đội viên vẫn chưa được bố trí, sắp xếp việc làm, cuộc sống khó khăn.

Chị Phạm Thị Tiền (bên trái), một trong những trí thức trẻ của Đề án 500 ở Quảng Ngãi thể hiện rất tốt vai trò của mình tại cơ sở, tuy nhiên hiện chưa biết tương lai công việc đi về đâu
Chị Phạm Thị Tiền (bên trái), một trong những trí thức trẻ của Đề án 500 ở Quảng Ngãi thể hiện rất tốt vai trò của mình tại cơ sở, tuy nhiên hiện chưa biết tương lai công việc đi về đâu

Xung phong về xã nghèo

Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau khi triển khai Đề án 500, nhiều trí thức trẻ đã tình nguyện nộp đơn tham gia, với mong muốn mang kiến thức của mình đến với những vùng khó khăn. Đơn cử như chị Võ Thị Sương, quê ở xã Trà Phú (Trà Bồng), tốt nghiệp đại học sư phạm ngành Ngữ văn đã nộp đơn tuyển chọn đội viên cho Đề án. 

Trúng tuyển, Sương được phân công về công tác tại xã Trà Thủy, đảm nhận chức danh công chức văn phòng- thống kê. Sương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ngoài đảm nhiệm tốt phần việc thống kê, Sương phát huy khả năng giao tiếp, ứng xử tốt với công dân, giải quyết tốt các thủ tục hành chính nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đến giao dịch

Cũng vì mến vùng đất mới và muốn góp chút công sức của mình làm đổi thay vùng đất khó, Sương đã bỏ qua nhiều cơ hội làm việc ở những nơi khác. Sương chia sẻ: Trong thời gian công tác tại Trà Thủy, có nhiều đợt thi tuyển giáo viên, nhưng em không tham gia dự thi, vì tin tưởng vào Đề án 500. Hơn 5 năm qua, cống hiến sức trẻ cho nơi này, em mong muốn được gắn bó lâu dài ở đây.

Tương tự, chị Phạm Thị Tiền, quê xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi), sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, Tiền cũng xung phong làm đội viên lên xã miền núi Trà Nham (Tây Trà cũ) nay xã Hương Trà (Trà Bồng), đảm nhận chức danh công chức tư pháp-hộ tịch. 

Quá trình công tác tại địa phương, Tiền đã không quản ngại khó khăn, băng rừng lội suối đến từng ngõ, gõ từng nhà đăng ký khai sinh lưu động tại nhà cho công dân. Nhờ sự năng nổ, nhiệt huyết, Tiền luôn được đánh giá là hoàn thành tốt công việc được giao và đã được kết nạp Đảng, được cho đi học lớp Trung cấp lý luận chính trị. 

Tuy nhiên, khi đề án kết thúc, cũng là lúc xã rơi vào tình trạng thừa 3 công chức vì sáp nhập xã, chưa được tuyển dụng khiến Tiền rất buồn và lo lắng về tương lai. 

Tiền bộc bạch: "Em vẫn luôn có gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, mong muốn sớm bố trí công tác để đội viên yên tâm”.

Cần có chính sách đảm bảo việc làm cho đội viên

Mặc dù, được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, nhưng trước tình hình tinh giản biên chế đang thực hiện quyết liệt, nhiều địa phương tỏ ra bối rối khi bố trí sử dụng nhân lực sau khi Đề án 500 kết thúc. Theo Sở Nội vụ Quảng Ngãi, tỉnh này có 15 trí thức trẻ tham gia chương trình về công tác tại các xã của các huyện Trà Bồng, Lý Sơn, Sơn Tây, Minh Long, Bình Sơn, Mộ Đức và Ba Tơ từ giữa năm 2015.

Thực tế cho thấy, sức trẻ và sự nhiệt tình của các đội viên Đề án 500, đã giúp cho nhiều xã nghèo khởi sắc. Tuy nhiên, ngoài 2 đội viên ra khỏi đề án, chỉ có 2 đội viên được bố trí công tác, hiện còn 11 đội viên vẫn chưa được tuyển dụng. 

Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết: Việc bố trí, sử dụng đội viên sau khi kết thúc Đề án 500 hiện rất khó khăn do sáp nhập xã, huyện. Nghị định số 34 của Chính phủ quy định giảm 2 biên chế cấp xã. Vì vậy, phương án tuyển các đội viên vào cán bộ, công chức cấp xã không thể thực hiện được.

Nhằm tạo điều kiện cho các đội viên tạm thời ổn định công việc và cuộc sống, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu, các huyện chưa có phương án bố trí, sử dụng đội viên tiếp tục phân công công tác và thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ với đội viên theo quy định, nhưng không quá 5 năm kể từ khi kết thúc đề án, để có thời gian sắp xếp, bố trí giải quyết dứt điểm trong thời hạn này. Đồng thời, hoàn thành phương án bố trí, sắp xếp, sử dụng đội viên của các huyện trong tháng 9/2021 gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Còn đối với những huyện đã có phương án bố trí, sử dụng đội viên, chủ động phối hợp với cơ quan đơn vị liên quan, tổ chức thực hiện xét tuyển đội viên đã được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và không bị kỷ luật trong thời gian công tác, vào làm cán bộ, công chức cấp xã, công chức, viên chức cấp huyện phù hợp với năng lực và trị trí công tác; đảm bảo việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể nói, việc bố trí việc làm cho những đội viên trí thức trẻ là một bài toán khó đối với nhiều địa phương chứ không riêng gì Quảng Ngãi. Tuy nhiên, với kiến thức được đào tạo bài bản và những đóng góp ở nơi công tác, thiết nghĩ các cấp, ngành cần có chính sách “đặc thù” để đảm bảo việc làm cho những đội viên này.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.