Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Quảng Ngãi: Hướng đến trồng và khai thác rừng bền vững

PV - 16:47, 10/12/2018

Nhiều người dân trồng rừng ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ thói quen, sau khi khai thác keo thì tiến hành đốt cành lá, lớp thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng mới. Cách làm này đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu đối với mục tiêu phát triển rừng bền vững. Hiện, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đang hỗ trợ và định hướng cho người dân cách trồng, khai thác rừng hợp lý hơn.

Quảng Ngãi Các chuyên gia hướng dẫn người dân cách chăm sóc rừng trồng.

Theo ước tính của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm, tỉnh có khoảng 35.000-37.000ha rừng keo được khai thác, con số này có thể thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Việc khai thác keo của người dân kéo dài tất cả các tháng trong năm, nhưng nhiều nhất là rơi vào các tháng cuối năm. Khai thác keo vào mùa nắng nóng, nếu đốt cành lá, thực bì sau khi khai thác sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, còn vào mùa mưa thì gây xói mòn, sạt lở đất...

Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Ngành Lâm nghiệp luôn khuyến cáo người dân không nên đốt cành lá, thực bì sau khi khai thác keo, nhưng rất ít người dân thực hiện, ngành Lâm nghiệp thì không có chế tài để xử lý việc này. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ được cấp chứng chỉ FSC mới thực hiện quy trình khai thác rừng theo hướng bền vững là không đốt cành lá, lớp thực bì sau khi khai thác, nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế lâu dài.

Được biết, nhằm giúp người dân trồng rừng bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 2681/UBND-NNTN chỉ đạo về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Quảng Ngãi Người dân Quảng Ngãi đang chuẩn bị cây giống để trồng rừng.

Theo đó, mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn của tỉnh đã được HĐND tỉnh quy định tại Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 9/12/2017. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện quy định nêu trên.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng ở tỉnh Quảng Ngãi như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đã thực hiện cho người dân vay đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; trồng rừng là cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm; chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn theo quy định hiện hành. Nhờ nguồn vốn này, nhiều người dân miền núi có tiền đầu tư trồng rừng, phát triển kinh tế.

Ông Phạm Văn Nuôi ở xã Ba Trang, huyện Ba Tơ cho biết: Trước đây, gia đình ông cũng trồng rừng nhưng không có vốn nên thường bán non. Vừa rồi, gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay nên có tiền chăm sóc và thực hiện theo đúng quy hoạch trồng và phát triển rừng của Nhà nước. “Với cách tổ chức mà cán bộ địa phương hướng dẫn gia đình tuân thủ làm theo, tôi tin phát triển kinh tế lâu dài từ rừng sẽ góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình trong tương lai”, ông Nuôi cho hay.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.