Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Hiểm nguy những ngôi nhà chênh vênh bên mép sóng

PV - 12:03, 12/08/2019

Những ngày qua, vùng biển Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi triều cường dâng cao, gây sóng lớn uy hiếp nhiều khu dân cư nằm sát biển. Đặc biệt, từ ngày 1-3/8, khu vực này sóng biển rất mạnh, đánh sập nhiều nhà dân ở xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê. Chính quyền địa phương và Nhân dân đã khẩn trương giúp đỡ các hộ dân có nhà bị sập di chuyển đến nơi an toàn. 

“Cơn giận giữ của biển”  

Theo nhiều người dân địa phương, họ đã sống ở đây mấy chục năm qua, nhưng chưa bao giờ thấy sóng biển đánh mạnh đến như vậy. Chỉ trong phút chốc, hàng chục căn nhà bị sóng đánh sập, mọi thứ đều bị cuốn ra biển. Đã mấy ngày trôi qua nhưng anh Trần Văn Thương, thôn cổ lũy, xã Tịnh Khê vẫn chưa hết bàng hoàng vì trong tích tắc, ngôi nhà của vợ chồng anh đã bị sóng biển nuốt chửng chỉ còn lại vài mảnh vỡ.

Anh Thương kể: Sáng ngày 1/8, khi phát hiện sóng biển dâng cao, trong khoảng thời gian chỉ có 20 phút, tôi chỉ kịp đưa người vợ đang mang bầu và 2 con nhỏ chạy ra khỏi nhà thì sóng đã cuốn cả ngôi nhà ra biển. “Sóng biển đánh rất nhanh, chỉ nghe vài ba tiếng sóng đánh là thấy ngôi nhà bị cuốn đi mất. May hai chợ chồng kịp ôm 2 đứa nhỏ chạy qua nhà hàng xóm chứ không cũng bị cuốn đi rồi”, anh Thương ngậm ngùi kể lại.

Hàng chục nhà dân ở xã Tịnh Khê bị sóng đánh sập. Hàng chục nhà dân ở xã Tịnh Khê bị sóng đánh sập.

Tương tự, ngôi nhà 3 thế hệ với 7 người con trai và cháu của ông Lê Hê và bà Phạm Thị Của ở xóm Khê Tân cũng đã bị sóng biển cuốn trôi gần như hoàn toàn. Không còn nhà để ở, ông cùng gia đình đến dựng lều ở tạm gần một khu chợ của địa phương. Bà Phạm Thị Của cho biết: Sóng biển đánh rất mạnh, chỉ sau ngày 1/8, nhiều căn nhà nằm mép biển đã bị cuốn sập, kéo theo nhiều căn nhà bên cạnh lở theo.

“Nhà có 6 người, lại có trẻ con nên ngay từ năm ngoái khi sóng biển cuốn sập mấy nhà ven biển, tôi đã rất lo sợ, vì thế, tôi đi dựng chòi ở bãi đất ngoài chợ đề phòng nhà có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Đây là lần dựng chòi thứ 5 của gia đình tôi”, bà Của nói.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm thực của biển ngày càng nhanh hơn. Ông Trần Văn Chinh, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê chia sẻ: Trước đây, tính từ đất liền ra hơn 300m, nơi đây từng có nhiều nhà dân sinh sống và có cả một sân bóng đá của xóm, nhưng cứ qua mỗi năm, nước biển lại xâm thực nhiều hơn. Người dân nơi đây luôn sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm bởi tình trạng nước biển xâm thực này. Nếu không có biện pháp chắc chắn sẽ còn nhiều nhà sập nữa.

Cần sớm giải quyết chỗ ở cho người dân

Trước tình hình triều cường dâng cao, sóng lớn đánh sập nhà dân, lãnh đạo TP. Quảng Ngãi đã đến kiểm tra, làm việc với chính quyền xã và người dân nơi đây. Lãnh đạo UBND xã Tịnh Khê cho biết: Tất cả các hộ dân vừa bị sóng đánh sập nhà đều đã được cấp đất tái định cư, hoặc đã có đất ở nơi an toàn. Tuy nhiên, họ còn “nấn ná” chưa chịu về nơi tái định cư và nơi ở mới. “Do đó, sau khi tình trạng sạt lở xảy ra, người dân mới bắt đầu chuyển đồ đạc và đưa gia đình vào nơi ở đã được địa phương bố trí. Riêng đối với những hộ chưa có đất tái định cư, xã yêu cầu chuyển đến những vùng an toàn như nhà người thân để trú ngụ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chưa chịu đi, nên nhiều lần cán bộ xã đã đến nhắc nhở”, ông Đỗ Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho hay.

Năm 2012, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đầu tư xây dựng khu tái định cư tại xã Tịnh Khê cho người dân ở vùng sạt lở. Đến thời điểm này, có gần 30 hộ dân đã vào làm nhà, sinh sống ở đây. Hiện còn 3 lô tái định cư đang được chính quyền xã đề nghị tỉnh bố trí dân cư vào sinh sống. Theo lãnh đạo UBND xã Tịnh Khê, hơn 20 hộ dân của xóm Khê Tân hiện đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Chính quyền cũng đã kiến nghị lên các cấp, ngành cần quy hoạch thêm, hoặc mở rộng diện tích vùng tái định cư để sớm di dời các hộ này đến nơi an toàn.

Trong chuyến kiểm tra, UBND TP. Quảng Ngãi yêu cầu, địa phương thống kê số hộ còn lại ở vùng có nguy cơ sạt lở, lập danh sách và sẽ giải quyết, bố trí đất tái định cư trong thời gian sắp đến. Lãnh đạo xã Tịnh Khê cần cương quyết di dời các hộ còn lại đến những nơi an toàn. Mặt khác, việc khẩn trương đầu tư mở rộng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho các hộ còn lại cũng được UBND TP. Quảng Ngãi đề nghị tỉnh quan tâm.

Ông Võ Quang, Phó Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi thông tin: Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ dự phòng của Trung ương và tỉnh, TP. Quảng Ngãi phân bổ 86 tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở, với tổng chiều dài lên đến 1.200m. Bên cạnh đó, UBND TP. Quảng Ngãi yêu cầu, chính quyền xã Tịnh Khê nhanh chóng hỗ trợ cho các gia đình vừa bị thiệt hại, để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng chỉ đạo chính quyền địa phương cương quyết không cho người dân về nơi ở cũ để sinh sống để đảm bảo an toàn tính mạng.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.