Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp?

T.Nhân-H.Trường - 14:27, 11/06/2024

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong quá trình phân bổ và giải ngân vốn để thực hiện nhiều công trình, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân vốn của đa số các địa phương trong tỉnh đạt rất thấp so với kế hoạch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam vừa có đợt làm việc với các huyện miền núi về việc phân bổ vốn và tình hình giải ngân vốn các Chương trình MTQG. Qua làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương phải có sự linh hoạt trong quá trình giải ngân vốn, bởi hiện nay một số địa phương có  tỷ lệ giải ngân để thực hiện các dự án, các tiểu dự án còn khá khiêm tốn.

Hạ tầng các huyện miền núi Quảng Nam được đầu tư nhờ nguồn vốn các Chương trình MTQG
Hạ tầng các huyện miền núi Quảng Nam được đầu tư nhờ nguồn vốn các Chương trình MTQG

Theo báo cáo mới đây của tỉnh Quảng Nam, năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là gần 3.646 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang năm 2024 hơn 1.423 tỷ đồng và vốn bố trí năm 2024 gần 2.223 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế trong quý I, tỷ lệ giải ngân vốn của các chương trình chỉ đạt bình quân 5%, trong đó vốn đầu tư giải ngân đạt 6% và vốn sự nghiệp giải ngân đạt 4%.

Đơn cử như tại huyện miền núi Đông Giang, năm 2024, tổng nguồn vốn đã phân bổ thực hiện các Chương trình MTQG hơn 361 tỷ đồng/gần 370 tỷ đồng (vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang gần 157 tỷ đồng đồng; vốn năm 2024 hơn 204 tỷ đồng), đạt 97,6% kế hoạch vốn. 

Tuy nhiên, tính đến gần cuối tháng 5/2024, tổng vốn đã giải ngân chỉ đạt 42 tỷ đồng/gần 370 tỷ đồng, đạt 11,44%. Trong đó, vốn đầu tư đã giải ngân gần 30 tỷ đồng/gần 192 tỷ đồng, đạt 15,61% kế hoạch vốn giao; vốn sự nghiệp đã giải ngân hơn 14,6 tỷ đồng/hơn 169 tỷ đồng, đạt 8,7% kế hoạch vốn giao.

Theo lãnh đạo UBND huyện Đông Giang, trong quá trình thực hiện phân bổ vốn và giải ngân, địa phương gặp một số khó khăn. Cụ thể, vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG không được phân bổ theo giai đoạn 2021-2025 mà phân theo từng năm, mức giao không ổn định nên khó cho việc chủ động tham mưu đề xuất kế hoạch các nội dung theo giai đoạn. Hơn nữa, mỗi năm phải trình các cấp nên tốn thời gian và thiếu tính liên kết dẫn đến tiến độ thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Nhiều mô hình kinh tế được triển khai từ nguồn vốn Chương trình MTQG ở Đông Giang
Nhiều mô hình kinh tế được triển khai từ nguồn vốn Chương trình MTQG ở Đông Giang

Đối với việc hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG về Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng gặp một số khó khăn. Nhiều dự án, nội dung các Chương trình MTQG có sự trùng lắp nội dung, đối tượng giữa các chương trình, chưa sát với yêu cầu thực tế dẫn đến vốn giao nhiều nhưng không thể thực hiện do không có đối tượng hoặc có đối tượng nhưng không đảm bảo điều kiện để hỗ trợ.

Còn tại Tây Giang, tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình MTQG đến nay chỉ đạt gần 21%. Cụ thể, năm 2024 tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc các chương trình (bao gồm kế hoạch vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang) hơn 195,5 tỷ đồng. 

Tính đến ngày 20/5, địa phương đã phân bổ hơn 106 tỷ đồng, nhưng giải ngân chỉ được gần 31 tỷ đồng, đạt gần 16% kế hoạch vốn giao. Riêng nguồn sự nghiệp, tổng vốn được giao thực hiện các chương trình gần 119 tỷ đồng (trong đó hơn 51,5 tỷ đồng từ nguồn vốn kéo dài năm 2022 và 2023 chuyển sang) và chỉ mới giải ngân được gần 5%.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Mạc Như Phương, cho biết: Vốn kế hoạch năm 2024 chưa phân bổ còn khá lớn, khoảng hơn 89 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do vướng đất rừng hoặc quy hoạch đất rừng, một số dự án trong quá trình thẩm định chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở phân bổ vốn. Mặt khác, một số dự án mới được bổ sung nên cần thời gian khảo sát, lập hồ sơ dẫn đến tiến độ phân bổ vốn chậm.

“Về tỷ lệ giải ngân vốn thấp, nguyên nhân chính là không thể đấu thầu; một số nhà đầu tư, chủ thầu chậm hoàn thiện hồ sơ thanh toán khối lượng, thu hồi tạm ứng dẫn đến việc giải ngân thực tế thấp. Riêng với vốn sự nghiệp, hiện nay việc phân bổ vốn gặp khó khăn vì qua khảo sát, đánh giá một số mô hình hỗ trợ sản xuất đã triển khai chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Do đó cần thời gian đánh giá, rà soát cụ thể trước khi phân bổ để triển khai mô hình phù hợp”, ông Phương cho biết thêm.

Quảng Nam yêu cầu các huyện đẩy mạnh giải ngân vốn các Chương trình MTQG
Quảng Nam yêu cầu các huyện đẩy mạnh giải ngân vốn các Chương trình MTQG

Cũng tương tự, tại huyện Nam Trà My, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 thuộc Chương trình MTQG trên địa bàn huyện gần 158,5 tỷ đồng, đến nay giải ngân hơn 28,8 tỷ đồng (18,2%). Trong khi đó, kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2024 hơn 137 tỷ đồng, đến nay giải ngân gần 3,4 tỷ đồng (2,47%).

Còn tại huyện Bắc Trà My, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các Chương trình MTQG năm 2024 trên địa bàn huyện gần 493 tỷ đồng. Tính đến 25/5, địa phương đã phân bổ các nguồn vốn gần 144 tỷ đồng, giải ngân được gần 46 tỷ đồng, đạt 9% (trong đó vốn đầu tư 12% và vốn sự nghiệp 5%).

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình MTQG thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện những phần việc, dự án và giải ngân vốn của các Chương trình. 

“Yêu cầu đặt ra đối với các địa phương là cuối tháng 6/2024 phải giải ngân hết nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023; cuối tháng 8/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2023; cuối tháng 12/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2024. Trong đó, ưu tiên tập trung giải ngân dứt điểm vốn ngân sách Trung ương, sau đó đến ngân sách tỉnh và tiếp theo là vốn đối ứng của ngân sách địa phương”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.