Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Trợ lực giúp người dân vùng đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững

T.Nhân - H.Trường - 11:22, 17/12/2024

Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giúp hàng ngàn hộ dân vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Quảng được hỗ trợ sinh kế, nhà ở, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Trợ lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giúp nhiều hộ dân ở vùng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.
Trợ lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giúp nhiều hộ dân ở vùng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo

Những tín hiệu vui

Từ một huyện miền núi nghèo khó với đa số đồng bào DTTS sinh sống, đến nay Phước Sơn đã từng bước đổi thay toàn diện về đời sống, kinh tế - xã hội. Trong đó, hàng trăm hộ dân vùng đồng bào DTTS được cải thiện về nhà ở, đất sản xuất, được hỗ trợ sinh kế để vươn lên thoát nghèo. Có được điều này, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, còn phải kể đến những trợ lực quan trọng đến từ các chính sách, chủ trương dành cho vùng đồng bào DTTS từ Trung ương đến địa phương.

Trong những năm gần đây, hơn 300 hộ dân ở thôn 4 – một trong những thôn thuần đồng bào DTTS của xã Phước Đức đã vươn lên phát triển từng ngày nhờ trợ lực từ Chương trình. Hàng chục hộ dân được hỗ trợ xóa nhà tạm, hàng trăm hộ dân vươn lên làm kinh tế từ sự hỗ trợ sản xuất từ các dự án chăn nuôi cộng đồng, từ đó giúp họ có thêm động lực để thoát nghèo.

Gần 15 năm làm Trưởng thôn 4, ông Nguyễn Văn Dũng như chứng kiến sự đổi thay từng ngày của người dân trong thôn. Ông kể, trước đây người dân chủ yếu làm rẫy, xen với đó là trồng lúa, làm thuê, cuộc sống vô cùng khó khăn. Thế nhưng, những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ từ các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là hỗ trợ về vật nuôi, cây giống và nhà cửa, nhiều hộ nghèo được trợ lực đã đăng ký thoát nghèo.

“Đường sá, nhà văn hóa, cơ sở hạ tầng được xây dựng bài bản. Người dân được hỗ trợ trâu, bò, dê, heo đã chăn nuôi tốt và có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con cái học hành. Ngoài ra, cũng từ trợ lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia, hàng chục hộ dân được hỗ trợ nhà ở, đất ở để có được căn nhà mơ ước. Cuộc sống của người dân trong thôn đổi thay từng ngày, người dân hăng hái làm kinh tế, phát triển gia đình”, ông Dũng cho biết.

Anh Hồ Văn Vớt (thôn 4, xã Phước Đức) nhờ được hỗ trợ 60 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vợ chồng anh đã xây dựng được căn nhà khang trang. “Gia đình trước đây rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào trồng keo và làm rẫy với thu nhập ít ỏi. Nhờ được hỗ trợ 60 triệu đồng từ Nhà nước, cùng với số tiền dành dụm và vay mượn được khoảng 120 triệu đồng, vợ chồng đã có được căn nhà chắc chắn, diện tích 70m2. Chúng tôi rất mừng, vậy là Tết này được ở nhà mới”, anh Vớt chia sẻ.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: Trong giai đoạn 2022 – 2024, địa phương đã phân bổ hơn 50 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để triển khai 21 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ nghèo, cận nghèo (hỗ trợ trâu, bò, dê, heo, phân bón..); giúp hỗ trợ 910 hộ dân về nhà ở.

Còn ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My cho biết: Trong thời gian qua, địa phương đẩy mạnh triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt Dự án 2 và Dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sinh kế cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế.

“Riêng trong năm 2024, nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, triển khai thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, địa phương đã hỗ trao 264 con bò cho 132 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh triển khai tiếp các dự án, tiểu dự án từ chương trình để góp phần hỗ trợ bà con nâng cao phát triển sản xuất”, ông Trung cho biết thêm.

Nâng cao đời sống cho Nhân dân

Theo Ban Dân tộc Quảng Nam, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành và địa phương luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo, bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Con số cụ thể cho thấy, trong năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi là 10,4%; đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo là 9,7%, cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra là trên 3% mỗi năm.

Hệ thống trường học được nâng cấp.
Hệ thống trường học được nâng cấp

Tổng nguồn vốn để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở Quảng Nam là 1.981 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 1.772 tỷ đồng đồng; ngân sách tỉnh là hơn 209 tỷ đồng). Tính đến tháng 9/2024, địa phương đã giải ngân hơn 940 tỷ đồng (đạt 48%) để triển khai các dự án, tiểu dự án hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản đầy đủ, tương đối hoàn thiện, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Trong đó, các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã được phê duyệt, triển khai thực hiện thuận lợi, giải quyết việc làm tại chỗ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, địa phương, kinh nghiệm sản xuất của hộ gia đình, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác với nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia…

Ngoài ra, việc triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn giúp khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình làm ăn giỏi, Người có uy tín trong cộng đồng tham gia các dự án (làm trưởng nhóm đối với dự án cộng đồng) để giúp đỡ, hướng dẫn cho người nghèo, hộ nghèo học tập, làm theo từ các mô hình sản xuất, sinh kế hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Qua đó, người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Người dân được hỗ trợ sinh kế thông qua các dự án, tiểu dự án của chương trình để phát triển sinh kế.
Người dân được hỗ trợ sinh kế thông qua các dự án, tiểu dự án của các chương trình MTQG để phát triển sinh kế

Trên cơ sở nguồn lực được phân bổ, địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách hỗ trợ như sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đầu tư cơ sở hạ tầng…Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt chỉ tiêu đề ra; hỗ trợ xóa nhà tạm cho 2.183 hộ gia đình; giúp 396 người được xuất khẩu lao động…

Những kết quả này đã tác động tích cực đến đời sống và sản xuất của đồng bào các DTTS, góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2019 - 2024. Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS giảm nghèo bình quân là 6,6%/năm (chỉ tiêu 5%). Thu nhập bình quân đầu người khu vực đồng bào DTTS và miền núi đến nay là 24 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với năm 2019...

“Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định từng nội dung đầu tư, hỗ trợ của Chương trình đều có tác động trực tiếp đến thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng nên việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi hơn trước; nhận thức của đồng bào các DTTS từng bước thay đổi trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới”, ông Hà Ra Diêu,  Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.