Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Tăng cường bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức

T.Nhân - 11:33, 29/11/2023

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch số 7186/KH-UBND về bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.

Tỉnh Quảng Nam tăng cường bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức (Ảnh minh hoạ)
Tỉnh Quảng Nam tăng cường bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức (Ảnh minh hoạ)

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện nội dung bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) theo Đề án số 10-ĐA/TU ngày 30/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho đội ngũ CBCCVC thường xuyên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

Đồng thời giữ gìn, phát huy giá trị ngôn ngữ - tiếng nói, chữ viết của các DTTS, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh; góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, công tác dân tộc và bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống, tích cực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có 02 tiếng DTTS có dân số đông, định cư tại chỗ trên địa bàn tỉnh được biên soạn tài liệu để phục vụ công tác bồi dưỡng CBCCVC. Hoàn thành ít nhất 02 Lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho CBCCVC. Phấn đấu có 02 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh có Đề án bồi dưỡng tiếng DTTS được cấp thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia bồi dưỡng tiếng DTTS theo quy định. Đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia giảng dạy tiếng DTTS đối với các ngôn ngữ được lựa chọn bồi dưỡng.

Đối tượng được bồi dưỡng tiếng DTTS là CBCCVC công tác tại địa bàn các huyện miền núi của tỉnh; CBCCVC công tác tại các sở, ban, ngành tỉnh thường xuyên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS; CBCCVC công tác tại các Sở, Ban, ngành, địa phương được phân công tham gia công tác tổ chức bồi dưỡng tiếng DTTS, đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng DTTS.

Thời gian tổ chức tổ chức các lớp học: trong năm 2025 (thời gian mở Lớp bồi dưỡng có thể sớm hơn trong năm 2024 trong trường hợp các điều kiện về cơ sở đào tạo, tài liệu bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên được đảm bảo). Địa điểm bồi dưỡng: tại thành phố Tam Kỳ hoặc tại địa phương có đông đồng bào DTTS có ngôn ngữ được bồi dưỡng sinh sống.

Về Chương trình, tài liệu bồi dưỡng: chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hình thức bồi dưỡng: áp dụng hình thức đào tạo tập trung đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS; áp dụng hình thức bồi dưỡng tập trung hoặc bán tập trung, từ xa đối với chương trình bồi dưỡng tiếng DTTS cho CBCCVC.

Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện nội dung Kế hoạch. Kinh phí thực hiện Kế hoạch ưu tiên sử dụng từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 phân bổ cho tỉnh Quảng Nam hằng năm và ngân sách tỉnh đối ứng theo quy định; kinh phí phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức hằng năm của tỉnh; lồng ghép kinh phí từ các chương trình, đề án, dự án liên quan theo quy định của pháp luật; kinh phí huy động từ nguồn tài trợ, viện trợ, huy động của xã hội, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.