Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Nhiều hộ dân sống chật vật trong vùng dự án ‘treo" hơn 20 năm

T.Nhân-H.Trường - 09:17, 21/10/2024

Hơn 20 năm trước, dự án Khu hành chính Cảng Kỳ Hà ở thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) có chủ trương triển khai xây dựng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trong số 50 hộ dân trong vùng dự án, mới chỉ có 22 hộ đã được tái định cư, 28 hộ còn lại vẫn “mắc kẹt” trong khu quy hoạch "treo" này.

28 hộ dân ở thôn Trung Toàn sống chật vật trong dự án treo hơn 20 năm
28 hộ dân ở thôn Trung Toàn sống chật vật trong dự án "treo" hơn 20 năm

Muốn làm gì cũng khó!

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Khu hành chính Cảng Kỳ Hà, có chủ trương triển khai xây dựng từ năm 2003. Để thực hiện dự án, 50 hộ dân ở thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, huyện Núi Thành sẽ được giải tỏa và bố trí tái định cư. Tại thời điểm đó, mới chỉ có 22 hộ dân được bố trí tái định cư và đền bù theo diện giải tỏa phục vụ dự án. Số hộ còn lại phải sống khổ trong vùng quy hoạch dự án, đến nay đã 21 năm.

Trong xóm nhỏ ở tổ 1, thôn Trung Toàn có chừng 30 nóc nhà, khung cảnh đìu hiu. Nghe có khách đến, nhiều người lớn tuổi ở đây chậm rãi mở cánh cửa sắt cũ kỹ, mời khách vào "mục sở thị" những căn nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa. 

“Người dân rất hy vọng được sớm giải quyết, một là bố trí tái định cư sớm, hoặc là có quyết định thu hồi dự án để người dân an tâm mà làm nhà cửa”, ông Bùi Xảo (thôn Trung Toàn) chia sẻ.

Cũng theo ông Xảo, người dân ở đây cũng từng rất hy vọng khi triển khai dự án, thì sẽ sớm được bố trí tái định cư. Tuy vậy, mòn mỏi đã hơn 20 năm đến nay vẫn chưa có động thái gì về đền bù, giải tỏa, trong khi đó khi con cái lớn, lập gia đình muốn làm nhà ở riêng cho con thì lại không dám làm.

Đường sá không được đầu tư khiến cho việc đi lại của người dân thôn Trung Toàn gặp nhiều khó khăn
Đường sá không được đầu tư khiến cho việc đi lại của người dân thôn Trung Toàn gặp nhiều khó khăn

Còn ông Lê Tấn Ngọn (93 tuổi), tâm sự: Vợ chồng ông nay đã lớn tuổi, vẫn sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ được xây cách đây gần 45 năm. Nhà đã xuống cấp trầm trọng, nhiều chỗ bị nứt nẻ nhưng vẫn không dám xây lại. Người dân sống ở đây lâu đời, quen với mảnh đất này rồi, không muốn rời đi. Tuy nhiên, khi Nhà nước có chủ trương, bà con vẫn đồng thuận di dời, nhường đất để làm dự án. Vậy mà, đến nay gần 30 hộ như gia đình ông vẫn chưa được tái định cư.

Ông Lê Tấn Ngọn 93 tuổi vẫn sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ. Bí bách quá, con gái ông đã xây căn nhà mới bên cạnh để ở dù biết sai quy định
Ông Lê Tấn Ngọn, 93 tuổi bao năm vẫn sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ. Thương bố và bí bách chỗ ở, con gái ông đã "làm liều" căn nhà bên cạnh để ở

Cũng theo ông Ngọn, con đường dẫn vào thôn thì đất đỏ bụi bặm, mưa xuống là ngập, đi lại rất khó. Vậy nhưng, từ đó đến nay dù người dân mong mỏi, thì đường vẫn chưa được bê tông hay trải nhựa. Khu vực này lại thấp, nên cứ mưa là ngập.  Sống trong nhà cũ bí cách quá, con gái tôi mới làm một nhà nhỏ bên cạnh để ở. Chúng tôi mong các cấp nhanh chóng có chính sách để bà con bớt khổ”, ông Ngọn nói thêm.

Đề nghị hủy thu hồi đất

Dự án "dậm chân" quá lâu dẫn đến nhiều bất cập cho các hộ dân đang sinh sống tại đây. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, là nhiều gia đình bí bách về chỗ ở, vì không thể tách thửa. Một số người mới lập gia đình đành vay mượn tiền đi nơi khác sinh sống, một số khác đành “làm liều” dựng nhà dù biết không đúng quy định.

“Những hộ dân đã được tái định cư thì đã ổn định cuộc sống, những người còn ở lại thì thiệt thòi. Vợ chồng cho con đất làm nhà, nhưng chính quyền không cấp “sổ hồng”. Giờ gia đình đông người nên phải dựng lên ở tạm. Còn điện thì mười mấy hộ dùng chung một đường dây, rất yếu. Muốn bắt riêng, thì cần phải có sổ hồng nên rất khó”, bà Lê Thị Lệ,  (53 tuổi) thôn Trung Toàn than thở.

Ông Phan Vĩnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Núi Thành, cho biết: Dự án khu hành chính Cảng Kỳ Hà đã có quyết định triển khai từ năm 2003, đến nay đã hơn 20 năm. Hiện còn 28 hộ dân còn sinh sống ở đó, đời sống của họ rất khó khăn nhất là đường giao thông, điện. Một số hộ có đất rộng, muốn tách thửa cho con cũng không được, gây tâm lý bức xúc cho người dân.“Vì dự án kéo dài, chúng tôi đã có chính sách hỗ trợ tạm thời cho người dân, nhưng về lâu dài, tỉnh cần có chính sách cụ thể để giải quyết  dứt điểm vấn đề này”, ông Tiến cho biết.

Bà Lê Thị Lệ chia sẻ những khó khăn khi phải sống trong vùng dự án
Bà Lê Thị Lệ chia sẻ những khó khăn khi phải sống trong vùng dự án "treo"

Cũng theo ông Tiến, chính quyền dù biết là làm nhà không đúng quy định pháp luật, nhưng vẫn chấp nhận cho bà con xây dựng để có cái nhà tử tế để ở. Bà con cũng có cam kết là, sau này khi Nhà nước triển khai dự án, thì không đền bù họ vẫn chấp nhận. Bên cạnh đó, chính quyền cũng hỗ trợ người dân lót đường đá dăm, nhưng chỉ được thời gian ngắn. Do đó, vấn đề cấp thiết là các cấp cần có phương án để hỗ trợ cho người dân.

Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết: Liên quan đến dự án này, UBND huyện Núi Thành đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, hủy bỏ quyết định thu hồi đất do chưa triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, từ tháng 1/2008, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định thu hồi hơn 262ha đất tại các xã Tam Quang, Tam Nghĩa của huyện Núi Thành, để giao đất cho Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (nay là BQL các Khu kinh tế và Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Nam) quản lý, sử dụng, để xây dựng Khu Thương mại tự do giai đoạn 1 (Khu Hành chính Cảng Kỳ Hà).

UBND huyện Núi Thành có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định thu hồi đất của các hộ dân vì dự án
UBND huyện Núi Thành có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định thu hồi đất của các hộ dân vì dự án "dậm chân tại chỗ" nhiều năm

Thực tế, từ khi có quyết định thu hồi đất đến nay đã kéo dài hàng chục năm, nhưng dự án chưa triển khai thực hiện. Việc này làm ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi chính đáng của người dân như: Không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách thửa, chuyển mục đích, chuyển quyền, thế chấp quyền sử dụng đất, xây dựng nhà ở... gây bức xúc trong Nhân dân.

“Nhằm đảm bảo công tác quản lý đất đai tại địa phương, tránh lãng phí tài nguyên đất, huyện Núi Thành đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, hủy bỏ quyết định thu hồi đất để có cơ sở đầu tư hạ tầng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi” - trích văn bản của UBND huyện Núi Thành.

Liên quan đến tình trạng này, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Ban quản lý Các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, tập trung rà soát lại quy hoạch, sau đó đề xuất giải pháp để giải quyết tình trạng dự án kéo dài nhằm đảm bảo cuộc sống cho bà con tại vùng dự án.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này!

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.