Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Người dân vùng cao khắc phục hậu quả lũ dữ

PV - 11:20, 22/09/2020

Lũ dữ vừa rút, người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tập trung nguồn lực, triển khai các hoạt động nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Ông Abing Trái sửa lại ngôi nhà bị hư do lũ.
Ông Abing Trái sửa lại ngôi nhà bị hư do lũ.

Sau lũ, bùn đất tràn ngập từ trong các nhà bị ngập cho đến các tuyến đường bị sạt lở, cây cối ngã đổ ngổn ngang, nhà cửa, chuồng trại hư hại. Dù chưa kịp hết kinh hoàng nhưng người dân Quảng Nam đã tập trung dọn dẹp để sớm ổn định cuộc sống.

Là một trong những người được cán bộ đu dây cứu thoát khi mắc kẹt trong dòng lũ dữ, ông Abing Trái (52 tuổi, trú thôn Ahu, xã Atiêng, huyện Tây Giang) vẫn chưa hết hoảng sợ.

Vừa sửa lại nhà ông Trái kể lại: “Tôi chỉ biết cõng mẹ với đứa con chạy sang bên bờ bên kia, rồi bị mắc kẹt trong dòng lũ dữ. Những người bị mắc kẹt như tôi chỉ biết trèo lên cây để không bị lũ dữ cuốn trôi và mong chờ mọi người đến cứu. May mà chúng tôi được cứu sống, nhưng giờ thì trắng tay”.

Thầy cô ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc ở xã Bhlêê dọn bùn, đất.
Thầy cô ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc ở xã Bhlêê dọn bùn, đất.

Khi nước lũ rút xuống, ông Abing Trái, kiểm tra lại tài sản thì đàn vịt 80 con và 4 con heo lớn cùng với căn nhà bếp và tài sản vật dụng đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Giờ đây ông Abing Trái phải lo sửa lại nhà cửa, chuồng trại, dọn dẹp bùn đất để ổn định cuộc sống.

Còn anh Plong A Trạch (27 tuổi, ở làng Tà Vàng, huyện Tây Giang) lúc này đang cùng gia đình khẩn trương dọn lớp bùn đất, vệ sinh nhà cửa để ổn định lại cuộc sống.

Anh Trạch nhớ lại: “Đây là một trận lũ kinh hoàng, lần đầu tiên trong lịch sử bà con nơi đây mới chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy. Sau lũ bà con ai cũng khó khăn vì của cải, tài sản bị lũ dữ cuốn trôi đi mất. Nhiều người lâm cảnh trắng tay. Nhà tôi còn một ít gạo cũng vừa đem chia cho 3 hộ gia đình khó khăn nhất trong làng mỗi hộ 5 lon gạo, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Người dân dọn dẹp bùn đất tại nhà sau lũ.
Người dân dọn dẹp bùn đất tại nhà sau lũ.

Đang ngồi thu dọn lại một số tài sản còn sót lại xong khi nước lũ rút, anh Ating Đó (35 tuổi, trú thôn Aduông, thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cho hay: “Tôi chỉ kịp đưa vợ con ra khỏi nhà thì nước lũ đã cuồn cuộn ập vào. Toàn bộ đồ đạc, quần áo trong phòng ở đều bị lũ cuốn sạch. Năm học mới đã đến, sách vở con cái cũng bị cuốn trôi. Chậm mấy phút nữa chắc gia đình tôi cũng sẽ bị nước lũ cuốn luôn”.

Sau lũ dữ đã có nhiều người dân lâm cảnh trắng tay, còn theo thống kê ban đầu huyện Đông Giang Bão lũ số 5 đã gây ra thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng và huyện Tây Giang lên đến trên 173 tỷ đồng. Nhiều cầu bê tông, cầu treo bị đứt gãy, nhà cửa hư hỏng, đường sá sạt lở, cây cối ngã đổ,…

Một tuyến đường bị sạt lở nặng.
Một tuyến đường bị sạt lở nặng.

Tại các địa phương miền núi ngay sau khi nước lũ rút, lãnh đạo huyện đã huy động các phương tiện, máy móc, nguồn nhân lực tập trung khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường từ trung tâm huyện lên các xã vùng cao. Đưa lực lượng xung kích về cơ sở giúp dân dọn dẹp nhà cửa, cây cối ngã đổ…

Như tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc ở xã Bhlêê, huyện Tây Giang, qua lũ bùn đất tràn ngập ở đây, những ngày qua thầy cô nhà trường đã ra sức dọn dẹp để sớm ổn định việc dạy và học.

Tuyến đường thuộc xã A Nông ngổn ngang sau lũ dữ.
Tuyến đường thuộc xã A Nông ngổn ngang sau lũ dữ.

Theo UBND Huyện Tây Giang, ngay sau lũ đã chỉ đạo tập trung xe cơ giới, máy móc, nguồn nhân lực nên đã thông tuyến đường 606 từ Hồ Chí Minh đến xã Lăng. Tiếp tục khắc phục thông tuyến ĐT 606, các tuyến đường liên xã, liên thôn, dự kiến đến ngày 27/9 sẽ hoàn thành công tác thông tuyến.

Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Hiện cán bộ huyện, xã đã và đang khẩn trương xuống cơ sở cùng với bà con nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ. Nhất định không để cho người dân thiếu lương thực. Không chỉ lo thông các tuyến đường mà phải xuống cơ sở giúp dân sửa nhà cửa, dọn dẹp cây cối ngã đổ, xem bà con cần và thiếu gì giúp đỡ ngay để họ sớm ổn định cuộc sống”.

Còn tại huyện Đông Giang đến giờ các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đã thông suốt. Chính quyền huyện cũng đã xuống các nhà dân bị thiệt hại để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ lương thực.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.