Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS

Mộc Nhi - 15:25, 16/11/2023

Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG1719), việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, các thiết chế văn hóa được đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào DTTS.

Tân Hóa là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nằm giữa các dãy núi đá vôi, có dòng sông Rào Nan chảy qua, là nơi sinh sống của hơn 3.000 người.
Tân Hóa là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nằm giữa các dãy núi đá vôi, có dòng sông Rào Nan chảy qua, đây là địa phương đang tập trung đánh thức tiềm năng du lịch

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có dân số trên 6.400 hộ với gần 28.000 người (chiếm khoảng 2,96% dân số toàn tỉnh). Trong đó, dân tộc Bru - Vân Kiều có hơn 19.200 nhân khẩu và dân tộc Chứt với hơn 7.000 nhân khẩu, chiếm đa số.

Trong khuôn khổ Chương trình MTQG 1719, ngành Văn hóa Quảng Bình đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa công tác "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch". Với mong muốn khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và miền núi phù hợp với thực tế địa phương, đặc biệt chú trọng di sản văn hóa của các DTTS có nguy cơ mai một. 

Dự án đã phát huy vai trò các chủ thể trong bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, nghệ nhân, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho ĐBDTTS. Một trong những nội dung trọng tâm của dự án là kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai.

Đồng bào Bru-Vân Kiều vui Lễ hội Trỉa lúa.
Đồng bào Bru-Vân Kiều vui Lễ hội Trỉa lúa.

Từ tháng 7/2023 đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các đoàn đi thực địa để kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS thuộc 100 bản tại 14 xã gồm: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa); Lâm Hóa, Thanh Hóa (Tuyên Hóa); Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch); Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh); Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy (Lệ Thủy).

Theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình, các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào được kiểm kê, sưu tầm, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian; các hiện vật lịch sử, văn hóa liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Sau quá trình tìm hiểu, tiếp cận và sưu tầm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình hiện đã có được gần 150 hiện vật, cùng với đó là nhiều thông tin quan trọng về các hoạt động văn hóa, đời sống của bà con đồng bào.

Làng du lịch Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Làng du lịch Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Bên cạnh đó, để thực hiện được "mục tiêu kép" vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết: Thời gian qua, Sở đã triển khai các nội dung của dự án 6 như Xây dựng các tủ sách cộng đồng tại xã Trọng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa), xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch); xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn, Quảng Ninh; hỗ trợ trang thiết bị văn hóa cho các thôn, bản vùng đồng bào DTTS tại các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.

Ngoài ra, còn có các hoạt động khác được triển khai như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Xuân, Quảng Ninh; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống cấp huyện (Minh Hóa); kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tỉnh Quảng Bình; bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng mô hình phát triển đời sống văn hóa các DTTS trên địa bàn xã Dân Hóa, Minh Hóa...

Du lịch khám phá ở Quảng Bình thu hút đông đảo du khách.
Du lịch khám phá ở Quảng Bình thu hút đông đảo du khách.

Năm 2022, lượng du khách đến Quảng Bình ước đạt 2,1 triệu lượt, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, Quảng Bình phấn đấu đón từ 3 - 3,5 triệu lượt khách trong đó số lượng khách quốc tế là 100.000 lượt.

Kết quả, trong năm 2022 và 10 tháng của năm nay, Quảng Bình đã đầu tư nhiều dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch với tổng số vốn lên đến gần 20 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là dự án hỗ trợ đầu tư thiết chế văn hoá, thể thao tại vùng đồng bào DTTS miền núi huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. 

Tỉnh xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu ở bản Đá Còi, xã Ngân Thuỷ và khu Động Châu-Khe Nước Trong, xã Kinh Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn, Quảng Ninh...

Thời gian vừa qua, Quảng Bình đã bước đầu bước đầu hình thành sản phẩm, tour du lịch gắn với khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Có thể kể đến sản phẩm khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều; khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời-Bãi Đạn ở xã Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ)...

Lễ hội mừng cơm mới của bà con Bru - Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Lễ hội mừng cơm mới của bà con Bru - Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)

Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống và nghệ nhân đồng bào DTTS; xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đồng bào DTTS; tăng cường ứng dụng khoa học, thực hiện “số hóa dữ liệu”, công nghệ để kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một…

Việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới được coi là một phần quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 và Chương trình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mong rằng, du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục khẳng định một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và là một trong những điểm đáng trải nghiệm nhất tại khu vực châu Á và thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.