Nhiều năm qua, các em phải học ghép, cơ sở vật chất không bảo đảm, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.
Năm 2020, Trường Tiểu học Đại Phong (xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy) bị lũ nhấn chìm, một dãy phòng học bị sập, phải tháo dỡ. Sau đó, địa phương đã báo cáo cấp trên, nhưng đến nay không được bố trí vốn xây dựng lại, khiến gần 400 học sinh phải học ghép.
Tương tự, tại Trường THCS Phú Thủy, thầy Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm 2020, dãy 8 phòng học cấp 4 của trường xuống cấp, sập một phần mái, địa phương đánh giá không thể sử dụng được nên buộc phải tháo dỡ. Từ đó đến nay, do không có nguồn vốn xây mới khiến trường lớp thiếu thốn. Còn tại Trường Tiểu học Trường Thủy, do thiếu phòng học nên 3 năm qua phải cho 495 em học ghép, khiến chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng rất lớn.
Năm 2021, tỉnh Quảng Bình bố trí hơn 35 tỷ đồng nhằm sửa chữa các trường học ở huyện Lệ Thủy bị xuống cấp, nhưng sau đó chuyển nguồn vốn này sang dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, khiến cho học sinh “dài cổ” chờ phòng học mới.
Giải thích việc này, ông Phan Phong Phú - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đàu tư tỉnh Quảng Bình cho biết, tại thời điểm trên, số vốn này chưa phân bổ kịp nên bố trí cho dự án trọng điểm. Từ năm 2022, tỉnh đã thống nhất, đầu tư công cấp tỉnh sẽ đầu tư bài bản, đầy đủ cho các trường THPT; còn trường mầm non, tiểu học, THCS từ nguồn đầu tư công cấp huyện.