Gia đình chị Đinh Thị Dần ở thôn Quảng Hóa, xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa từ lâu đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi lợn sinh sản, bình quân mỗi năm, chị thu về trên 200 triệu đồng. Hiện, gia đình chị đang có trên 20 con lợn nái đẻ và hơn 100 con lợn thịt.
Những ngày qua, sau khi biết được đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi, chị Dần rất lo lắng cho đàn lợn của gia đình, nếu xảy ra dịch bệnh thì chị sẽ trắng tay. Vừa qua, chị đã được cán bộ xã tới nhà tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống dịch, nhận vôi bột và hóa chất về tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại. Chị Dần cho biết: Nghe nói có dịch là gia đình che chắn chuồng trại ngay, không cho người lạ tiếp xúc, cũng không cho thương lái đến mua. Mỗi một tuần, gia đình tiến hành phun hóa chất hai lần, rắc vôi bột thường xuyên, nhờ đó đàn lợn khỏe mạnh và hiện đang an toàn. Chờ xã công bố hết dịch, gia đình mới xuất chuồng đàn lợn.
Xã Hồng Hóa là địa phương có con đường xuyên Á đi qua, nối thông với đường Hồ Chí Minh, do đó cũng là địa bàn dễ bị dịch bệnh lây lan khi mỗi ngày có rất nhiều xe tải vận chuyển gia súc, gia cầm từ Lào về Việt Nam, đi qua địa phận của xã.
Ông Cao Hữu Mựu, Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa cho biết: Xã Hồng Hóa có tổng đàn gia súc 2.654 con, trong đó đàn lợn gần 700 con. Xã đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng dịch tả lợn, phân công cán bộ phụ trách về tận các hộ chăn nuôi để tuyên truyền, thông báo các hộ tới nhận vôi và hóa chất miễn phí, hai điểm đường nối với các xã khác đều được rắc vôi bột hằng ngày với mật độ dày. Bà con Nhân dân cũng đã ý thức rất cao về loại bệnh này nên đã dừng việc mua bán, giết mổ lợn và tập trung chăm sóc cho đàn vật nuôi.
Với mục tiêu chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Minh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi và Nhân dân chủ động phòng bệnh dịch. Khi lợn có triệu chứng bị bệnh, phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn.
Huyện cũng đẩy mạnh công tác chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, nơi buôn bán, các chợ; siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bị bệnh, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên địa bàn.
Qua khảo sát cho thấy, nhìn chung các hộ chăn nuôi tại Minh Hóa hiện nay đều có ý thức cao trong công tác phòng dịch, thực hiện tốt việc phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ hằng tuần. Đồng thời, tích cực chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vắc xin, tăng cường sức đề kháng cho lợn.
THÙY LINH