Đất cằn chuyển mình
Hơn chục năm trước, đi dọc con đường thiên lý Bắc Nam, đến đoạn vượt qua Đèo Ngang rồi nhìn xuống dưới chân dãy núi Hoành Sơn, mọi người không khó để bắt gặp nhiều ngôi làng nghèo xơ xác nằm ven cảng biển Hòn La – nơi "tràn ngập" gió Lào và cát trắng.
Nhiều cụ cao niên và lãnh đạo xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch lý giải với chúng tôi về sự "nghèo lâu" của địa phương là bởi từ nhiều đời nay, đại đa số người dân Quảng Đông đều sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và khai thác hải sản.
Đó là câu chuyện quá khứ của nhiều năm trước, bây giờ, đến với khu vực Hòn La, mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay vượt bậc của bức tranh kinh tế nơi đây. Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết, kể từ khi KKT Hòn La đi vào hoạt động, toàn xã đã có 367 quán tạp hoá và ăn uống giải khát; 12 nhà hàng kinh doanh ven biển…
Bên cạnh đó, địa phương còn có 21 xưởng mộc, nhôm kính và hàn xì, hàng chục cơ sở sản xuất gạch xi măng, xay xát, sản xuất đá lạnh, thu mua hải sản... Năm 2018, giá trị thu nhập từ thương mại-dịch vụ của Quảng Đông đạt trên 80 tỷ đồng, lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 30 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 8,8%, số hộ khá, giàu không ngừng được tăng lên...
Nông dân "lên đời"
KKT Hòn La nằm trong chuỗi các khu kinh tế ven biển miền Trung, thuộc địa bàn 6 xã của huyện Quảng Trạch gồm: Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng và Quảng Xuân. Đây là khu vực có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế lý tưởng để xây dựng cảng nước sâu và phát triển các dịch vụ gắn với cảng biển.
Từ khi KKT Hòn La hoạt động, người nông dân ở đây thực sự đã “lên đời”. Thanh niên trong độ tuổi không còn phải bám đồng, bám biển, quần quật, lam lũ nữa mà đã được Ban Quản lý KKT đào tạo tuyển vào làm việc ở KKT. Được biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp ở KKT Hòn La đang sử dụng 920 lao động (hầu hết là người dân ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch). Có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều gia đình mở hướng kinh doanh mới nhằm thay đổi cuộc sống.
Ông Nguyễn Quốc Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bê tông Phan Vũ, Quảng Bình cho biết: Đơn vị chúng tôi chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013, hiện có trên 100 công nhân, hầu hết là người địa phương. Khi được nhận vào làm tại Công ty, họ mau chóng thích nghi, ham học hỏi và chăm chỉ, sáng tạo trong công việc. Chính vì thế, Công ty đã trả lương hằng tháng khá cao, đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ theo Luật Lao động. Sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm một nhà xưởng để tiếp nhận thêm gần 100 công nhân vào làm việc tại đây....
Hấp dẫn thu hút đầu tư
Hiện nay, về cơ bản, KKT Hòn La đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bước đầu hoàn thành các hạng mục thiết yếu như: giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng hệ thống trục chính giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải... Một số khu chức năng trong KKT Hòn La đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết gồm có: KCN cảng biển Hòn La 109,26ha; KCN Hòn La II 177,1 ha; khu tái định cư 49,7ha; khu dân cư đô thị 73,5ha....
Theo ông Đậu Trọng Cảnh, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình thì, nhờ có chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, tính đến tháng 9/2018, KKT Hòn La đã thu hút 44 dự án, với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 40 nghìn tỷ đồng.
Một số dự án trọng điểm khi đưa vào hoạt động sẽ hứa hẹn tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho cả vùng phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, như: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch; Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng của Tập đoàn DOHWA-Hàn Quốc; Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa-Đảo Yến của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh... KKT Hòn La được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên những đột phá cho bức tranh kinh tế tỉnh nhà ngày càng khởi sắc.
MINH THỨ - VĂN MINH