Tối 23/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến dự Lễ kỷ niệm 64 năm ngày sinh Nhật Hoàng Naruhito (23/2/1960-23/2/2024), do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi điện mừng tới Nhà Vua Naruhito, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện mừng tới Thủ tướng Kishida Fumio, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukishiro và Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã vừa cùng nhau đi qua một năm 2023 đầy cảm xúc, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản với sự giao lưu của khoảng 150 đoàn lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương các cấp của hai nước và hơn 500 hoạt động kỷ niệm quy mô và đầy ý nghĩa tại cả hai nước.
Năm 2023 cũng là năm bản lề, mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Nhật Bản với việc lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".
"Có thể nói, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là cặp quan hệ điển hình cho thành công trong hợp tác song phương của Việt Nam với các đối tác", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định.
Nhật Bản duy trì vị trí là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam khi là đối tác viện trợ ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.
Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân… được thúc đẩy mạnh mẽ, tích cực. Hợp tác địa phương là điểm sáng trong quan hệ hai nước với hơn 100 cặp địa phương có thỏa thuận hợp tác.
Cộng đồng khoảng 520.000 người Việt Nam tại Nhật Bản là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, cùng hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang đóng góp tích cực vào sự phát triển quan hệ thực chất và toàn diện giữa hai nước.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, các cơ chế hợp tác khu vực như APEC, ASEM, cũng như cơ chế hợp tác của ASEAN, Việt Nam và Nhật Bản hợp tác chặt chẽ, tích cực phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Với nền tảng là sự tin cậy chính trị, sự tương đồng về văn hóa, sự gắn kết về lịch sử được xây dựng và vun đắp trong suốt hơn 1.300 năm từ thế kỷ thứ 8, hơn nửa thế kỷ hợp tác và cùng phát triển, quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đã và đang "tay trong tay", cùng bước sang chương mới của quan hệ hai nước với tiềm năng phát triển "vô hạn", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu.
Trên cơ sở khuôn khổ hợp tác mới, với tinh thần bảo đảm lợi ích bình đẳng của cả hai bên, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lãnh đạo và nhân dân hai nước quyết tâm phát triển mạnh mẽ, thực chất hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục-đào tạo, lao động, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương….
Đồng thời, hai bên mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng mới, phù hợp với xu thế của thời đại như giảm phát thải, bán dẫn, năng lượng sạch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh..., tăng cường hơn nữa hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế, trên các diễn đàn, các tổ chức quốc tế và các cơ chế hợp tác mà hai nước cùng là thành viên.
Sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của quan hệ Việt Nam–Nhật Bản đang trở thành điểm sáng về quan hệ quốc tế, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt với nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp, mang tính căn bản.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng mối quan hệ "lương duyên trời định" giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam, Nhật Bản sẽ tiếp tục vượt qua mọi thử thách, nắm bắt cơ hội, bước tiếp chặng đường phát triển mới, bền chặt, gắn kết và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng sự phát triển mật thiết của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản như hiện nay không chỉ vì lợi ích kinh tế và chính trị, mà còn dựa trên sự "thấu hiểu và đồng cảm" giữa hai nước được hình thành bởi giao lưu văn hoá và lịch sử từ xa xưa.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng việc làm bền chặt hơn nữa sợi dây gắn kết giữa người dân hai nước chính là bước đệm vững chắc để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Về lĩnh vực kinh tế, Đại sứ cho rằng trong bối cảnh việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đổi mới khoa học như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… càng trở nên mạnh mẽ, quan hệ đối tác Việt Nam-Nhật Bản sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Theo Đại sứ, kết quả điều tra mới nhất của JETRO cho thấy, Việt Nam là điểm đến đầu tư thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản cao thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, gần 60% trong tổng số doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí về việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong ngành kinh tế là động lực quan trọng không thể thiếu nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản.
Về ODA, hai Thủ tướng khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác song phương nhằm làm sôi động lại ODA của Nhật bản và thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, chất lượng cao tại Việt Nam.
Về hợp tác lao động, Đại sứ cho biết Việt Nam chiếm khoảng ¼ tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế hai nước.