Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

T.Nhân-H.Trường - 22:22, 25/04/2024

Những quả đồi đất đá khô cằn ở xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành (Quảng Nam), tưởng chừng như không trồng được loại cây gì, thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều hộ dân địa phương đã đầu tư trồng cây dứa. Thấy dứa phát triển tốt, họ mạnh dạn mở rộng diện tích, mỗi vụ thu về hàng trăm triệu đồng.

Gia đình ông Hải thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi vụ từ dứa hữu cơ
Gia đình ông Hải thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi vụ từ dứa hữu cơ

Tính đến thời điểm hiện tại, Núi Thành là một trong những địa phương có diện tích trồng dứa lớn của tỉnh Quảng Nam. Từ những diện tích đất rừng bỏ hoang lâu năm, hoặc chỉ trồng keo kém quả thấp, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng dứa và hiệu quả ngoài mong đợi. Riêng xã Tam Thạnh, đến nay đã có hơn 15ha dứa, với giá như hiện nay từ 12.000-15.000 đồng/kg, mỗi hộ trồng dứa có thể thu nhập từ 20-70 triệu đồng/vụ.

Ông Phạm Văn Đạo (thôn Đức Bố, xã Tam Thạnh) cho biết: Gia đình ông đã đầu tư hàng chục triệu đồng và công sức vào để mở rộng diện tích trồng dứa hữu cơ trên đất đồi với hơn 3.000m2. Vườn dứa của ông hiện nay đang vào giai đoạn sai quả, một tháng nữa sẽ vào mùa thu hoạch. “Năng suất như hiện nay, nếu trừ chi phí các thứ, gia đình tôi nhẩm tính thu về từ 50-60 triệu đồng/vụ”, ông Đạo nói.

Cũng theo ông Đạo, dứa là loài cây dễ trồng, ít sâu bệnh, nếu phù hợp với thổ nhưỡng thì cho năng suất khá cao. Dứa trồng trên đất Tam Thạnh phát triển tốt, lượng đường cao nên trái rất ngọt, được nhiều thương lái ưu chuộng. Kỹ thuật trồng cũng đơn giản, mỗi cây cách nhau 35 - 40cm, hàng cách hàng 80 - 90cm. Sau khoảng 2-3 tháng thì bắt đầu bón phân chuồng, làm cỏ và thêm hai đợt phân vô cơ.

Đến giai đoạn dứa trưởng thành – khoảng một năm rưỡi kể từ lúc trồng – người dân sẽ đập đất nền cho vào đọt dứa và tưới một lượng nước nhỏ để kích thích cây ra trái theo ý muốn. Theo người dân địa phương, trước đây cây dứa là một trong những loại cây giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, do cách trồng theo hướng thủ công nhỏ lẻ, giá cả lại bấp bênh nên nhiều vườn dứa bị chặt bỏ để trồng keo. Sau một thời gian, giá dứa tăng trở lại, nhiều hộ dân đã quay trở lại trồng dứa theo hướng hữu cơ. Hình thức trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều người làm giàu từ trên mảnh đất cằn cỏi.

Ông Lưu Hải (thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh), là một trong những người thành công với mô hình trồng dứa hữu cơ. Khoảng năm 1994, ông đầu tư mua giống dứa gai từ Ninh Bình về trồng trên diện tích khoảng 10ha. Sau thời gian chăm sóc, vựa dứa của ông phát triển tốt và cho thu hoạch khoảng 20 tấn mỗi vụ.

 “Tuy nhiên thời đó giá dứa gai chỉ 1.000 đồng/kg, lại không có thị trường ổn định nên thu nhập không nhiều. Hơn nữa, do kỹ thuật trồng lúc đó còn thấp, để cây phát triển theo kiểu tự nhiên nên năng suất cũng không cao” ông Hải chia sẻ.

Hiện nay người dân đang mở rộng diện tích trồng dứa trên đất đồi núi để tăng thu nhập trên diện tích đất đồi núi
Hiện nay người dân đang mở rộng diện tích trồng dứa trên đất đồi núi để tăng thu nhập trên diện tích đất đồi núi

Sau nhiều năm trồng dứa gai không có hiệu quả cao, ông Hải chuyển sang ươm giống cao su, keo để bán. Đến năm 2020, thấy một số người trồng dứa hữu cơ mang lại lợi nhuận khá cao, gia đình ông đầu tư trồng lại 2 sào dứa theo cách thức này. Theo ông Hải, cây dứa không kén đất, ưa ánh sáng, chịu nhiệt tốt, ít tưới nước, chỉ tốn công làm cỏ.

“Loại này cũng ít sâu bệnh nên ông không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau hơn 5 tháng trồng, gia đình tôi thu được khoảng 5 tấn dứa, giá cả khoảng 12 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí thì thu nhập khoảng 50 triệu đồng” ông Hải cho biết thêm.

Thành công với mô hình này, ông mở rộng diện tích trồng dứa hữu cơ lên 5 sào và dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích dứa. Với đầu ra ổn định như hiện nay, mỗi vụ gia đình ông Hải thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ngoài việc bán trái, ông Hải còn có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc bán cây dứa giống.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh, cho biết: hiện nay địa phương có hơn 30 hộ trồng dứa với diện tích hơn 15ha. Cây dứa trồng đại trà ở 3 thôn của địa phương, nhiều nhất là thôn Đức Phú. So với các cây trồng khác, thì cây dứa có nhiều ưu điểm như dễ trồng, thích nghi với điều kiện về đất đai, khí hậu ở các khu vực miền núi, đất dốc. 

"Địa phương sẽ khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích cây dứa, đồng thời liên hệ giúp bà con có đầu ra ổn định. Hy vọng rằng, giá dứa giữ được mức cao trong thời gian dài như vậy sẽ ngày càng nhiều người dân địa phương có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu", Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thành Lưu cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.