Huyện Mường Khương là “thủ phủ” dứa ở tỉnh Lào Cai, trong đó xã Bản Lầu chiếm hơn 90% tổng diện tích dứa của huyện.
Theo thống kê của UBND xã Bản Lầu, năm nay, toàn xã có 1.700ha dứa với tổng sản lượng thu hoạch ước khoảng 20.000 tấn. Bà con trồng dứa ở xã Bản Lầu cho biết, tầm này năm ngoái, giá dứa bán cho tư thương chỉ dao động 4.000-5.000 đồng/kg (hòa vốn) còn nếu cắt bán cho nhà máy chế biến thì chỉ được 3.000-3.300 đồng/kg (loại đẹp). Thế nhưng, năm nay, nông dân cắt bán tại đồi cho thương lái, loại trung bình cũng được giá khoảng 6.500-7.000 đồng/kg, loại đẹp lên tới 8.000 đồng/kg.
“Giá dứa năm nay là cao nhất trong 20 năm qua và chưa bao giờ dễ bán như năm nay”, chị Vũ Thị Hoa, một chủ đồi dứa ở xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) cho biết. Còn bà Đặng Thị Mười, chủ vườn dứa hơn 3 vạn hom ở thôn Na Mạ, cùng xã Bản Lầu, cũng chia sẻ: “Năm nay, kể cả loại dứa bi (dứa hạng 3) người ta cũng thu mua hết”.
Chị Hoa, bà Mười cũng như nhiều nông dân ở xã Bản Lầu còn cho biết, mùa dứa năm nay, từ khi dứa còn ra hoa, tư thương ở các tỉnh đã về đặt cọc, làm hợp đồng liên kết với nông dân. Không còn cảnh ế ẩm và rớt giá như năm ngoái nên nông dân rất phấn khởi. Theo tìm hiểu, các năm trước, thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nhưng năm nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu là cung ứng cho các nhà máy chế biến ở khu vực Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… và các chợ dân sinh ở miền Bắc.
UBND xã Bản Lầu ước tính, tổng thu từ dứa năm 2024 của xã này đạt khoảng 120 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân giá dứa cao kỷ lục, ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, cho biết, năm nay cầu dứa vượt cung, do những năm qua giá dứa xuống quá thấp, nên nhiều gia đình bỏ vườn, chuyển sang trồng loại cây khác. Cùng với đó, địa phương đã đẩy mạnh liên kết thông qua vận động thành lập 14 tổ hợp tác và hợp tác xã để thu mua dứa của nông dân, cung ứng cho các nhà máy chế biến, chợ đầu mối ở nhiều địa phương. Nhờ liên kết nên từ sản xuất đến tiêu thụ đều có kế hoạch tập trung, tránh được tình trạng tư thương lợi dụng ép giá do “tranh mua tranh bán” như các năm trước.
Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, để hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ dứa trên địa bàn, hiện cơ quan chức năng ở địa phương đang nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dứa Bản Lầu - Mường Khương để vươn xa tới nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trước đó, vào ngày 13-3, Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển vùng trồng chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2024-2025. Theo thống kê, toàn địa phương này có 2.355ha chuối (sản lượng thu hoạch mỗi năm 60.000 tấn, giá trị sản xuất đạt hơn 400 tỷ đồng); 2.200ha dứa (sản lượng đạt 41.900 tấn, giá trị sản xuất đạt hơn 180 tỷ đồng), 4.195ha cây ăn quả ôn đới (sản lượng đạt 10.445 tấn, giá trị ước đạt hơn 300 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương đang phấn đấu duy trì diện tích các vùng trồng chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; rà soát quỹ đất, quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới theo hướng hàng hoá…