Trong văn hóa người Tày, quả còn tượng trưng cho may mắn, tài lộc. Vì thế, ở nhiều bản làng người Tày, cứ dịp Tết đến xuân sang là diễn ra hội tung còn để người dân tham gia xin lộc đầu năm. Mỗi lần quả còn tung lên mang theo ước vọng về một năm mới thuận hòa, mùa màng bội thu. Vì thế, gia đình nào cũng khâu một vài quả còn để đi hội hoặc để treo trong nhà cầu may.
Hiện nay, loại hình du lịch homestay phát triển, nhiều chủ cơ sở homestay đã treo nhiều quả còn ở vị trí quan trọng nhằm tạo điểm nhấn. Ông La Văn San, chủ cơ sở homestay thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) chia sẻ, quả còn được gia đình ông và nhiều cơ sở homestay ở đây lựa chọn để trang trí căn hộ. Nhiều du khách đến nghỉ homestay đều rất ấn tượng với những quả còn được treo ở cửa sổ, phòng khách hay khu vực cầu thang lên xuống và đều chụp ảnh kỷ niệm. Ông rất vui vì đây cũng là cách để homestay hút khách hơn.
Ông Bàn Văn Khé, Phó Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết, quả còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống đồng bào Tày. Quả còn được làm bằng miếng vải hình vuông mỗi cạnh khoảng 20cm, chụm 4 góc vào nhau sau đó khâu kín 3 đường, còn 1 đường khi nhồi hạt bông xong mới khâu. Dây còn dài khoảng 50cm làm bằng vải bền chắc. Để có được những quả còn đẹp, bắt mắt, các chị, em khéo chọn vải, phối màu xanh, đỏ, tím, vàng làm tua rua đều từ quả còn đến dây còn. Việc khâu còn không chỉ đảm bảo thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Theo quan niệm của người Tày, quả còn bao giờ cũng phải khâu tua rua bốn góc tượng trưng cho bốn phương trời. Quả còn càng có nhiều tua rua, nhiều sắc màu càng đẹp, càng đem lại may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.
Với nhiều tầng ý nghĩa, quả còn trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Tày.