Năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách nội địa giảm 45%, 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, thiệt hại ngành du lịch cả nước hơn 530 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế toàn cầu đóng băng do đại dịch Covid-19, giải pháp phục hồi du lịch hiện nay là khai thác thị trường nội địa khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong cộng đồng.
Ngành du lịch Việt Nam đã có kết quả phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, tăng từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt khách quốc tế với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019, tăng 12 bậc so với năm 2015.
Năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu người, giảm 80%, khách nội địa giảm 45%, 60% lao động mất việc làm, 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, công suất phòng chỉ đạt từ 10 đến 15%, thiệt hại của ngành du lịch hơn 530 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch, đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải tư duy lại về cách làm du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, phải mất thời gian rất lâu, du lịch trên thế giới mới phục hồi. Theo ông Trần Trọng Kiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, giải pháp phục hồi du lịch hiện nay nên tập trung khai thác thị trường nội địa, khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trong cộng đồng.
“Tăng giải pháp kích cầu du lịch thị trường nội địa, đảm bảo an toàn cho người Việt Nam đi lại, giảm các chi phí không cần thiết, giảm 50% các chi phí kéo dài đến hết năm 2021 để kích cầu rất quan trọng. Thông điệp “Việt Nam an toàn, đi du lịch là yêu nước” cần được truyền thông liên tục đến người dân. Tăng cường các sự kiện văn hóa, thể thao,đặc biệt là các thành phố lớn để thu hút khách nội địa” - ông Trần Trọng Kiên cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện tại, cơ cầu khách du lịch nội địa gấp gần 5 lần khách du lịch quốc tế, tổng thu du lịch nội địa chiếm 45%, trong khi tổng thu du lịch quốc tế chiếm trên 55%. Sự thay đổi cơ cấu khách quốc tế cần hướng tới phát huy được những lợi thế của Việt Nam. Đặc biệt, khi xảy ra dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và được yêu thích lựa chọn.
Để phục hồi du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích các địa phương phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 sớm khôi phục hoạt động. Đẩy mạnh đầu tư công về phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch cỡ lớn, đầu tư vào công trình văn hóa, công viên sinh thái, xúc tiến quảng bá du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới, ngành du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch an toàn vừa phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch, cơ cấu lại thị trường du lịch, liên kết vùng, hợp tác công tư và chuyển đổi số, sớm khắc phục tiếp đà tăng trưởng trở lại trong thời gian tới"./.