Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Phú Thọ đã có 6 huyện, thành, thị được Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 136/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 69%; trong đó có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã; có 20 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 35 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, không có xã đạt dưới 09 tiêu chí; có 1.641/2040 khu dân cư đạt nông thôn mới, trong đó có 129 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2024 tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổ số xã đạt chuẩn lên 141 xã; trong đó có 22 xã nông thôn mới nâng cao. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,4 tiêu chí/xã trở lên; có 1.700 khu dân cư đạt nông thôn mới, khoảng hơn 150 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Phú Thọ dự kiến sẽ huy động hơn 3.300 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu trên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra tỉnh tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới ở các khu dân cư. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung tăng cường đôn đốc, phối hợp, hướng dẫn các xã trong thực hiện các tiêu chí và thẩm tra, thẩm định xã nông thôn mới; tập trung thực hiện nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình đảm bảo hiệu quả và tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Cùng với đó tỉnh sẽ đề xuất với các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn được thuận lợi hơn trong xây dựng nông thôn mới để người dân được tham gia triển khai các mô hình thí điểm của trung ương trong thực hiện các chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.