Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phú Thọ: Chú trọng công tác giám sát trong thực hiện Chương trình MTQG 1719

Th. Phong - 08:55, 15/12/2024

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) được xác định là động lực chính để Phú Thọ giải quyết những vấn đề bức thiết, cấp bách ở vùng DTTS của tỉnh. Vì thế, cùng với việc sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh đã chú trọng công tác giám sát, bảo đảm dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả các công trình, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719.

Công trình đường giao thông được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Công trình đường giao thông được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III và 240 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại 5 huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy được thụ hưởng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn huy động, phân bổ thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Phú Thọ là 1.736 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 774 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả chương trình, tỉnh sớm ban hành nghị quyết, quyết định theo thẩm quyền. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt Ban Dân tộc phối hợp sở, ngành đẩy nhanh việc giao vốn và giải ngân; đồng thời theo sát tiến độ tại các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Thông qua hội nghị tập huấn, Người có uy tín được cung cấp thông tin, trang bị kỹ năng, kiến thức, nội dung cơ bản, phương pháp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương
Thông qua hội nghị tập huấn, Người có uy tín được cung cấp thông tin, trang bị kỹ năng, kiến thức, nội dung cơ bản, phương pháp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Nguồn vốn của Chương trình tập trung đầu tư cho 10/10 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 gồm công tác đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cũng như phát triển nông nghiệp bền vững và hỗ trợ giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ e; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình...

Trong giai đoạn 2021- 2023, tỉnh triển khai hỗ trợ đầu tư 204 công trình trên địa bàn, trong đó có 123 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 26 trường học, 4 công trình y tế... Toàn tỉnh có 274 hộ được hỗ trợ xây nhà; 1.476 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; 1.453 hộ được hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ chuyển đổi nghề. Đã có ba khu dân cư được quy hoạch, sắp xếp, bố trí đến nơi ở cần thiết. Các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dần hoàn thành cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.

Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc năm 2024 là hoạt động nằm trong Nội dung 02, Tiểu dự án 1, Dự án 10 về phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình MTQG 1719 được Ban Dân tộc tổ chức nhằm thông qua hình thức sân khấu khóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc năm 2024 là hoạt động nằm trong Nội dung 02, Tiểu dự án 1, Dự án 10 về phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình MTQG 1719 được Ban Dân tộc tổ chức nhằm thông qua hình thức sân khấu khóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 với các nội dung hỗ trợ bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội có tác động rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các nội dung hỗ trợ đã từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững...

Ông Lê Tiến Quân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết: Để bảo đảm các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đạt hiệu quả cao nhất, với nhiệm vụ được UBND tỉnh giao chủ trì tham mưu về Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc thường xuyên bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để kịp thời tham mưu cho tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời nắm chắc tình hình triển khai ở cơ sở để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhận diện các khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, câu lạc bộ văn hoá được thành lập góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống
Triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, nhiều câu lạc bộ văn hoá được thành lập góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, ông Lê Tiến Quân khẳng định, thông qua hoạt động giám sát đã kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cũng góp phần tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân về các biện pháp thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn.

Với những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, Phú Thọ phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào mỗi năm giảm 2%/năm. Tỉnh đặt mục tiêu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; trên 80% thôn, bản vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 55% lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số, người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề…