Đến ấp Đai Úi (100% là đồng bào dân tộc Khmer) chúng tôi bị đắm chìm trước vẻ đẹp của làng quê và những con người đang ra sức xây dựng xã nông thôn mới.
Ông Lý Bal, người dân Đai Úi cho biết: “Đường từ xã vào ấp đều đã được bê tông hóa; điện, nước sạch đến từng nhà. Mạng Internet kéo đến tận phum sóc, nhờ đó, bà con Khmer nắm bắt được nhiều thông tin khoa học - kỹ thuật. Từ đó, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để đạt năng suất cao. Còn thanh niên tới tuổi lao động thì đi xin việc làm tại các công ty có thu nhập ổn định, nên cuộc sống ngày càng khá giả. Bây giờ, ở ấp Đai Úi thấy toàn nhà tường xây vững chãi, không còn nhà lá như trước”.
Có thể thấy những năm qua, Phú Mỹ đã triển khai nhiều phong trào hay, cách làm hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn. Ngoài những công trình do Nhà nước đầu tư xây dựng, còn có những công trình mang đậm dấu ấn Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nổi bật trong những công trình đó là mô hình “Thắp sáng đường quê” đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
"Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân đã làm cho diện mạo nông thôn Phú Mỹ có nhiều đổi thay tích cực, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 45 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo đa chiều giảm còn 7%. Đến nay, xã đạt 17/19 tiêu chí NTM”.
Ông Sơn Sà RanhChủ tịch UBND xã Phú Mỹ
Ông Thạch Sà Thenl, ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ phấn khởi nói: “Khi được vận động thực hiện phong trào “Thắp sáng đường quê”, tôi và bà con rất vui mừng và đồng lòng tham gia, vì đây là hoạt động mang nhiều lợi ích cho người dân. Có đèn đường chiếu sáng, buổi tối giúp trẻ em vui chơi, người lớn thì đi tập thể dục an toàn, thuận tiện hơn, tình làng nghĩa xóm vì thế cũng được bền chặt”.
Đại đức Liêu Huyền, Sư cả chùa Bưng Cốc cho biết: Sư cũng họp Ban Quản trị chùa, các vị Acha về công trình làm bóng đèn trên tuyến đường vào chùa. Sau đó đi đến thống nhất, đến ngày bà con thực hiện nghi thức tôn giáo trong chùa, sư cũng phát động trong Sala và vận động bà con Phật tử chung tay đóng góp xây dựng. Khi nghe phát động bà con hưởng ứng ngay.
Sau 5 năm thực hiện, xã Phú Mỹ hiện có 6 mô hình “Thắp sáng đường quê” ở 6/7 ấp, chiều dài khoảng 16 km, với gần 750 bóng đèn, tổng chi phí gần 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành bảo dưỡng hệ thống đèn đường, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, Phú Mỹ chủ trương phân công các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên phụ trách quản lý từng mô hình ở từng ấp.
Ông Sơn Sà Ranh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết: Thời gian qua, Phú Mỹ đã được chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân đã có sự thay đổi tích cực.
Về Phú Mỹ hôm nay, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở các phum sóc. Kinh tế có bước phát triển ổn định, hộ nghèo ngày một giảm, nhà nhà có điện thắp sáng, những căn nhà dột nát, xiêu vẹo ngày nào nay được thay thế bởi nhà tường kiên cố và sạch đẹp, đời sống của đồng bào Khmer ngày càng ấm no, sung túc.