Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phụ huynh bất bình vì nhà trường bất ngờ đổi đồng phục học sinh

Hoàng Thùy - 14:47, 25/08/2023

Trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, phường Tân Hòa, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bất bình khi nhà trường bất ngờ thay đổi đồng phục học sinh mà không tổ chức lấy ý kiến phụ huynh. Bên cạnh đó, phụ huynh còn phản ánh nhiều vấn đề khác khiến phụ huynh không hài lòng.

 Trường Tiểu học Kim Đồng
Trường Tiểu học Kim Đồng

Những năm học trước, đồng phục học sinh của Trường Tiểu học Kim Đồng là quần xanh áo trắng nên phụ huynh tự đi may hoặc mua cho con em của mình. Thế nhưng, đầu tháng 7/2023, giaó viên chủ nhiệm thông báo việc phụ huynh lên trường mua đồng phục đi học, đồng phục thể dục, áo khoác cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường đã thay đổi mẫu đồng phục mà không lấy ý kiến của phụ huynh khiến phụ huynh rất bất ngờ.

Một phụ huynh có con đang theo học tại trường chia sẻ: chị đã sớm mua đồng phục cho con trước khi có thông báo của giáo viên chủ nhiệm. Thắc mắc về việc thay đổi mẫu đồng phục, giáo viên chủ nhiệm phản hồi, những người đã mua đồng phục rồi thì mang áo trắng đi may thêm viền đỏ lên cổ và 2 ống tay áo cho đúng với đồng phục mới của trường.

Việc thay đổi đồng phục này cũng làm nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải xoay sở sắm đồng phục mới thay vì tận dụng đồng phục cũ của năm học trước.

Bên cạnh việc thay đổi đồng phục, phụ huynh còn phản ánh, nhà trường vừa yêu cầu phụ huynh đóng góp sơn lại phòng học cho năm học 2023-2024. “Sau khi nhà trường thông báo, cô giáo chủ nhiệm một số lớp đã hỗ trợ tiền mua sơn và huy động phụ huynh là thợ đến sơn lại phòng học. Một số lớp khác, phụ huynh phải đóng góp số tiền 800.000 đồng/lớp để mua sơn và thuê thợ sơn đến sơn lại”, một phụ huynh chia sẻ.

Nhà trường yêu cầu sơn sửa phòng học trước thềm năm học mới
Nhà trường yêu cầu sơn sửa phòng học trước thềm năm học mới

Ngoài ra, phụ huynh còn phản ánh một số khoản thu không hợp lý của năm học trước như: khoản nhà trường huy động xây dựng “Thư viện thân thiện” nhà trường áp số tiền cụ thể từ khối 1 đến khối 3 là 150.000 đồng/học sinh, khối 4 là 100.000 đồng/học sinh và khối 5 là 50.000/học sinh; Ban đại diện hội phụ huynh của trường thu quỹ vệ sinh 110.000 đồng và 30.000 đồng tiền chăm sóc cây cảnh.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng khẳng định: Cuối năm học 2022-2023, nhà trường họp phụ huynh cuối năm đã thông báo, lấy ý kiến của phụ huynh về việc thay đổi đồng phục và được phụ huynh học sinh đồng ý, được ghi vào Biên bản họp phụ huynh cuối năm. Sau đó nhà trường đã có thông báo trên bảng thông tin của trường, đồng phục thể thể dục vẫn như cũ, chỉ có thay đổi đồng phục áo trắng quần xanh, có thêm viền kẻ đỏ ở cổ và hai ống tay áo. Đến, tháng 7/2023, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh về việc thay đổi này. Nhà trường không bắt buộc phục huynh mua đồng phục tại trường, phụ huynh có thể may ở ngoài nhưng phải đúng đồng phục của trường. “Nhà trường làm như vậy để phòng khi các cháu đi đâu bị lạc thì dễ dàng tìm được trên đồng phục là học sinh của Trường Tiểu học Kim Đồng. Từ đó, mọi người thông báo cho nhà trường biết để đến đón các cháu về. Mục đích chỉ có như thế thôi”.

Đối với phản ánh thu tiền huy động xây dựng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: “Thư viện thân thiện”, bà Lợi thông tin, trường không có thư viện, không có phòng y tế học đường làm chỗ nghỉ ngơi cho học sinh, giáo viên mỗi khi ốm đau. Năm học 2022-2023, nhà trường thống nhất xây dựng “Thư viện thân thiện” và phòng y tế học đường, với tổng kinh phí 216 triệu đồng. Trong đó, nhà trường chi trong ngân sách nhà nước 2 phần, còn lại kêu các mạnh thường quân. Phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện, chứ không có chuyện quy định số tiền cụ thể cho từng học sinh. Còn việc sơn sửa phòng học, tiền quỹ vệ sinh và chăm sóc cây xanh, nhà trường thực hiện đúng quy định theo Công văn 1364 ngày 25/8/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, hàng năm, Sở GD&ĐT đều ban hành văn bản hướng dẫn về thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ngày 23/8/2023, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản 1374 gửi đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Phòng GD&ĐT, các cơ sở GD&ĐT trên địa bàn. Theo đó, năm nay, các cơ sở GD&ĐT trên địa bàn không được thu tiền để thực hiện chăm sóc cây xanh. Về vấn đề đồng phục của học sinh, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, nội dung này được quy định tại Thông tư 26 ngày 30/9/2009 của Bộ GD&ĐT. Đồng phục cho học sinh phải trên tinh thần tự nguyện, lấy ý kiến của phụ huynh kể cả về mẫu mã. Đối với việc sơn sửa phòng học thuộc diện tân trang, sửa chữa, nếu muốn thực hiện thì cần phải xã hội hóa theo đúng quy định.

Đến nay, Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Tp.Buôn Ma Thuột tổ chức kiểm tra, xác minh lại việc làm của Trường Tiểu học Kim Đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Tp.Buôn Ma Thuột cho rằng, việc vệ sinh phòng học, hành lang và sơn lại phòng học là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Khi thực hiện việc sơn sửa, trang trí lớp học thì phải có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, phải xây dựng kế hoạch, phải xin ý kiến và phải được phòng GD&ĐT phê duyệt.

Từ trước đến nay, đồng phục của học sinh được quy định là quần xanh áo trắng và giữ nguyên xuyên suốt. Nếu như có sự thay đổi thì chỉ có đối với lớp đầu cấp để các em có sự chuẩn bị. Khi muốn thay đổi đồng phục thì phải có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Trong các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT đã nêu rõ, trong nhà trường không được tổ chức bán đồng phục mà chỉ thống nhất chọn mẫu đồng phục.

Việc nhà trường bán đồng phục, Phòng sẽ kiểm tra nếu có sai phạm sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để báo cáo UBND thành phố chỉ đạo theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.