Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Điện Biên: Không để học sinh vùng khó thiếu sách

Song An - 22:25, 24/08/2023

Nhiều năm trở lại đây, trước thềm năm học mới, giá sách lại gia tăng, trở thành “gánh nặng” với nhiều phụ huynh tỉnh Điện Biên. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục địa phương đã chủ động giải pháp không để học sinh vùng khó thiếu sách vở học tập.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Chị Lò Thị Nhung, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, con trai năm nay vào lớp 4, để tránh tình trạng khan hiếm nguồn sách như năm học trước có ngay từ đầu tháng 7 chị đã liên hệ với Siêu thị sách đặt mua đủ bộ cho con. Nhưng, phải đến cuối tháng thì sách mới lên kệ.

“Tôi thấy giá sách năm nay khá cao. Một bộ sách lớp 4 mới giá cũng khoảng 200 nghìn đồng, tăng khoảng 2,5 - 3 lần so với giá sách chương trình cũ (87.000 đồng/bộ). Như vậy, nhiều phụ huynh ở vùng khó, có đông con cùng đi học sẽ rất khó khăn”, chị Nhung bộc bạch.

Gia đình ông Cứ A Páo, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé năm học này có 2 con vào lớp 4 và 8. Bởi vậy, nỗi lo về SGK lại nhân đôi. Cộng lại mất cả triệu đồng tiền mua sách. Trong khi hai vợ chồng ông chỉ lao động tự do, thu nhập gần như không có. Cùng với đó lại thêm việc gia đình đã thoát nghèo nên ông càng lo lắng rằng liệu còn nhận được sự hỗ trợ?!

Cán bộ Phòng Giáo dục huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên kiểm tra, sắp xếp SGK được tiếp nhận cho năm học mới
Cán bộ Phòng Giáo dục huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên kiểm tra, sắp xếp SGK được tiếp nhận cho năm học mới

Là đơn vị cung ứng SGK chủ chốt tại địa phương, năm học này, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Ðiện Biên nhập 1,7 triệu bản sách. Trong đó, 1,3 triệu bản thuộc chương trình giáo dục mới.

Ngay từ đầu tháng 6, Công ty đã chủ động tổ chức các đội vận chuyển sách đến từng huyện, trực tiếp đưa đến từng trường. Theo ông Trần Quang Ðức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên: “Sách được cung ứng từ nhà xuất bản về tới Ðiện Biên, chúng tôi đóng gói ngay để tiếp tục đưa đến từng trường. Hiện hơn 80% SGK (theo đăng ký) đã được chuyển đến các huyện. Cố gắng đảm bảo trong khoảng thời gian từ ngày 15 - 20/8 sẽ hoàn thành, đảm bảo SGK cho tất cả các địa bàn”.

Đứng chân trên địa bàn thuộc diện khó khăn nhất huyện Mường Nhé, song Trường Phổ thông DTBT THCS Huổi Lếch cũng đã tiếp nhận SGK vào cuối tháng 7. Thầy Nguyễn Văn Quynh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Năm học 2023 - 2024, Trường sẽ có khoảng 270 học sinh. Chúng tôi huy động được một lượng sách quyên góp, ủng hộ để sử dụng lại, còn đặt gần 200 bộ sách mới. Thời điểm này SGK đã đảm bảo, đáp ứng đầy đủ cho học sinh toàn trường”.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nhận sách, vở hỗ trợ
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nhận sách, vở hỗ trợ

Theo thống kê, hiện còn một số trường, xã vùng cao sách chưa về tới. Trong khi đó, thời tiết những ngày qua không thuận lợi, mưa lũ xảy ra ở nhiều địa bàn. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, các chuyến xe chở SGK của Công ty vẫn tiếp tục lăn bánh đến các đơn vị còn lại.

Cũng theo Giám đốc Công ty sách, đơn vị cũng kết nối, phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao tặng 1.150 bộ SGK Chương trình GDPT mới các khối lớp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc 4 huyện và 2 trường THPT. Tổ chức tặng sách cho Làng trẻ em SOS, với mục tiêu đồng hành cùng ngành Giáo dục “lấp đầy” các “khoảng trống” về SGK, giảm gánh nặng, nỗi lo cho các bậc phụ huynh nghèo, khó khăn.0

Ngay khi kết thúc năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông báo đến phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên danh mục SGK sẽ sử dụng cho năm học mới. Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với nhà xuất bản, dựa trên số lượng học sinh để đăng ký nhu cầu SGK cần. Từ đó hướng dẫn cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh chủ động mua sắm SGK.”

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.