Nơi đất trời hội tụTheo lời giới thiệu của người chủ đò tên Nguyễn Văn Hậu (50 tuổi) điểm khởi đầu của cuộc hành trình, là từ phía trước đền Tam Giang, phường Bạch Hạc. Để đến được nơi 3 con sông Hồng, sông Đà, sông Lô hòa quyện vào nhau phải ngược dòng chừng 4 - 5 cây số. Đây chính là điểm “giang sơn quy về một mối” của vùng đất Tổ. Nước thiêng ở đây có đủ vị ngọt - mặn, hương rừng, kẽ đá, mạch đất từ muôn phương góp vào tạo nên thế đất “tụ nhân - tụ thủy”. Và tất nhiên muốn lấy được “nước linh thiêng”, thì phải chịu khó đi vào lúc nửa đêm, nhất là vào thời khắc chuyển giao của ngày cũ và ngày mới.
Để đánh tan thời tiết giá buốt và những cơn gió lạnh từ mặt sông thổi hắt lên đò đến tê người, những người ngồi trên đò hào hứng nói chuyện. Mỗi lúc câu chuyện thêm rôm rả khi mỗi người đóng góp một câu chuyện minh chứng cho sự “linh thiêng” của dòng nước ở đây. Qua câu chuyện, chúng tôi biết có người đến từ Hà Nam, Vĩnh Phúc, Mê Linh (Hà Nội)… nhưng chủ yếu vẫn là người dân tại Việt Trì, Phú Thọ đến lấy nước.
Ông lái đò cũng phụ họa thêm câu chuyện: Mới đây, tôi chở một người ở tận miền Trung đi lấy nước về xây mộ cho mẹ. Đúng là tôi chưa thấy ai kỹ tính như ông ấy, chỉ lấy nước mà ông ấy phải lên đây từ trước mấy hôm. Chọn giờ tốt, ngày đẹp mới nhờ tôi chở ra ngã ba sông lấy nước, mà giờ về bến, thời gian về đến nhà ông ấy cũng tính kỹ càng. Ông ấy bảo phải làm như vậy thì nước đem về mới linh thiêng.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, chiếc đò cũng đi đến khu vực hợp lưu giữa ngã ba sông, nơi được coi là chỗ nước thiêng tụ hội. Những người trên thuyền chẳng ai bảo ai, tranh nhau đưa can xuống để lấy nước, nét mặt ai cũng vui tươi, rộn rã.
Thiêng hay không là ở lòng ngườiTheo cụ Trần Văn Thân, 74 tuổi, thủ từ đền Tam Giang thì phong tục đi lấy nước đã có từ lâu đời, gắn với việc thờ cúng thần nước cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Hằng năm cứ vào ngày 10/3 âm lịch, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và ngày 25/9 âm lịch ngày mở tiệc khao quân của Đức Ông Sáu (tức Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật) có công dẹp quân xâm lấn phương Bắc, đền Tam Giang đều tổ chức lễ hội đua thuyền và rước nước từ nơi hợp lưu của 3 dòng sông.
Sau khi tế lễ xong, nước được phân phát cho người dân trong vùng về để thờ cúng hay dùng vào những việc lớn trong gia đình như, xây cất nhà cửa, lau giửa bàn thờ, đồ thờ cúng… đến nay đã trở thành phong tục độc đáo của người dân địa phương nơi đây.
“Mỗi lần du khách thập phương đến đền Tam Giang đều ngỏ ý muốn xin một chút nước thiêng mang về. Việc thành tâm thế nào thì tùy vào thí chủ có khi là 10 nghìn hoặc 20 nghìn”, cụ Thân cho biết thêm.
Tục lấy nước từ ngã 3 sông với ý nghĩa ban đầu chỉ để cầu may, tuy nhiên, gần đây đã bắt đầu xuất hiện sự thương mại hoá nhằm trục lợi từ mời chào “bán nước thiêng”, can, chai, lọ, ăn uống tấp nập vào những ngày cuối năm. Do đó, ít nhiều gây phản cảm đối với du khách, nguy cơ làm mất đi nét văn hóa riêng của người dân nơi đây.
Trước khi trở về, cụ Thân, đưa cho chúng tôi cuốn sổ để ghi họ tên, địa chỉ để cụ làm lễ xin nước và bảo nếu tín chủ đến đây lấy nước, thì trước hết cái tâm phải trong sáng, không màng vụ lợi, thiêng hay không là ở lòng người...
DOÃN KIÊN