Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phòng chống mua bán người khu vực biên giới tỉnh Hà Giang: Mặt trận không tiếng súng

PV - 15:13, 20/11/2018

Với gần 300km đường biên giới giáp Trung Quốc, dân số phân bố thưa thớt, thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người (MBN) tại khu vực biên giới tỉnh Hà Giang vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Theo nhận định của cơ quan chức năng, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm MBN ở Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngày 18/5/2018, Đồn Biên phòng Săm Pun (BĐBP Hà Giang) phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên cảnh Điền Bồng, Trung Quốc đã giải cứu 2 nạn nhân Lò Thị V và Vàng Thị L, trú tại xã Tả Ván, huyện Quản Bạ. Theo lời khai của nạn nhân, ngày 15/5/2018, V và L được hai người đàn ông tên là Sính, 30 tuổi, trú tại huyện Bắc Mê và đối tượng tên Dính 22 tuổi (là người yêu của L), trú huyện Yên Minh rủ đi làm thuê tại huyện Đồng Văn. Nhưng đến địa bàn xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, cả V và L đều bị đẩy sang bên kia biên giới bán cho 3 người đàn ông Trung Quốc.

mua bán người Tiếp nhận, lấy lời khai của nạn nhân bị mua bán qua biên giới.

Phải mất gần 3 tháng theo dõi di biến động của các đối tượng, ngày 15/8/2018, các trinh sát mới xác định được đối tượng Thào Mí Phùa, quê ở huyện Đồng Văn (còn gọi là Sính) và đối tượng Dính (tên thật là Thào Chá Sỳ), trú tại xã Thắng Mố, huyện Yên Minh chính là hai đối tượng đã bán V và L. Ngay sau đó, Ban Chuyên án thuộc BĐBP Hà Giang triệu tập đối tượng Thào Chá Sỳ về Đồn BP Bạch Đích; Công an tỉnh Hà Giang triệu tập đối tượng Thào Mí Phùa về TP. Hà Giang để đấu tranh, khai thác. Qua đấu tranh, cả Sỳ và Phùa đã cúi đầu thừa nhận hành vi của mình.

Đại tá Hoàng Anh Đức, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang cho biết: Không chỉ dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em, các đối tượng MBN còn rất manh động khi thực hiện hành vi bắt cóc với mục đích bán người qua biên giới. Đại tá Hoàng Anh Đức nhớ lại: Cách đây khoảng 1 năm, bà Hoàng Thị Sùng và cháu là V, ngụ xã Phó Bảng, huyện Đồng Văn đang làm nương bỗng giật mình phát hiện 3 thanh niên lạ mặt. Chúng dùng gậy đập vào đầu hai cô cháu đến bất tỉnh, trói chặt bà Sùng vào gốc cây rồi kéo chị V đi về phía biên giới. Khi bọn người lạ mặt rời đi, bà Sùng đã tự cởi trói và chạy được về Đồn BP Săm Pun khai báo sự việc. Nhanh chóng xác minh, khoanh vùng đối tượng, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Săm Pun đã triển khai lực lượng truy tìm. Sau hai tiếng vượt rừng, lực lượng BĐBP đã bắt giữ Súng Mí Gấu (SN 1993), trú tại huyện Mèo Vạc và Vừ Mí Nô, Vừ Mí Già (là người Trung Quốc) ngay trên biên giới khi bọn chúng chuẩn bị vượt biên qua đường tiểu ngạch.

Theo Đại tá Hoàng Anh Đức: Cuộc chiến chống nạn MBN tuy không khốc liệt như chống ma túy nhưng cũng không kém phần gian nan. Các đối tượng MBN thường lợi dụng triệt để Công nghệ thông tin để hoạt động phạm tội. Chúng thường tìm đến các phiên chợ, cổng trường học để tiếp cận, làm quen với một số phụ nữ, trẻ em gái, xin số điện thoại, kết bạn qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… tạo quan hệ yêu đương giả. Sau đó, các đối tượng rủ nạn nhân đi chơi, mua sắm hoặc đi làm thuê với mức thu nhập cao… rồi đưa nạn nhân qua biên giới, bán sâu vào nội địa. Một số đối tượng là người Việt Nam câu kết với các đối tượng người Trung Quốc (trong đó có cả những đối tượng đã từng là nạn nhân của nạn MBN) thường xuyên qua lại Việt Nam dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê hoặc lao động bất hợp pháp, sau đó lừa bán vào các động mại dâm hoặc bán qua các đối tượng thứ ba.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm MBN, Đại tá Hoàng Anh Đức cho rằng: Ngoài việc đấu tranh của các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương giáp biên giới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN. Đồng thời, cần đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, phát huy vai trò trưởng bản, Người có uy tín trong việc tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của bọn tội phạm MBN trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang.

Từ năm 2016 đến nay, BĐBP Hà Giang đã điều tra, xác minh 31 vụ việc, thông tin liên quan đến tội phạm MBN, bắt giữ và xử lý 17 đối tượng. Riêng năm 2018, trên địa bàn xảy ra 3 vụ với 3 phụ nữ, trẻ em bỏ đi khỏi địa bàn, nghi bị lừa bán, 01 vụ với 02 phụ nữ bị bán sang Trung Quốc. Các lực lượng chức năng đã tiến hành giải cứu thành công.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.