Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, trình Chính phủ trong ngày 11/3/2023.
Tại Thông báo số 69/TB-VPCP ngày 9/3/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về công tác đăng kiểm phương tiện giao thông và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tình hình hiện nay nêu rõ, công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công rất quan trọng, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông, tính mạng của người dân, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật, trình độ và thuộc trách nhiệm của nhà nước.
Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tăng cường phản ứng chính sách, chủ động xử lý kịp thời, giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Trong thời gian qua, việc xã hội hóa đã huy động được nguồn lực bên ngoài bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công về kiểm định.
Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải còn diễn ra rất tùy tiện, chưa được quản lý chặt chẽ đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của nhân dân.
Chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực đăng kiểm, tạo niềm tin của Nhân dân, đồng thời cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và những bất cập trong mô hình xã hội hoá hoạt động đăng kiểm.
Để đảm bảo cung cấp dịch vụ công kịp thời cho người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước mắt, cần khẩn trương huy động điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác để tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai bộ tham gia hỗ trợ, đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Bắt đầu từ ngày 11/3, lực lượng CSGT tăng cường lực lượng để hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm của Bộ GTVT ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Lực lượng công an sẽ hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ để việc đăng kiểm của người dân được thuận lợi, nhanh chóng, không để người dân phải mang chăn chiếu, thay phiên nhau xếp hàng 3 - 4 ngày tại các trung tâm đăng kiểm.
Những ngày gần đây, tình trạng quá tải trong đăng kiểm tiếp tục xuất hiện ở một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
Tính đến ngày 10/3, tại Hà Nội có 8 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động; dự kiến trong ngày thứ 7 và chủ nhật sẽ đưa thêm 3 trung tâm nữa vào hoạt động. Tại TP.HCM đang có 6 trung tâm hoạt động.