Báo cáo tổng hợp tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị này cho thấy, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh rất nguy hiểm, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nước ta.
Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại các nước lân cận (tháng 8/2018) đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hay nói cách khác, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Với những nỗ lực và hành động quyết liệt của cả hệ thống, công tác phòng chống dịch đã đạt được một số kết quả quan trọng. Bước đầu hạn chế tình trạng lây lan và giảm thiểu thiệt hại. Thời gian qua, bệnh phát sinh ở nhiều nơi, song lẻ tẻ, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (có tỉnh bệnh chỉ xuất hiện ở một vài hộ).
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Nếu không có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, chắc chắn bệnh dịch đã lây lan rất nhanh và mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.
Công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc trang bị kiến thức, nâng cao hiểu biết của người dân về dịch bệnh, hạn chế được tình trạng người dân hoang mang, quay lưng tẩy chay thịt lợn. Giá thịt lợn đã tăng trở lại, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ sản xuất, nhất là tại các địa phương chưa có dịch bệnh.
Các địa phương, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất cho các địa phương khi có điều kiện. Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Hiện nay, các địa phương và các doanh nghiệp cũng đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm, các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi lợn.
Đồng thời, Bộ NNPTNT đang tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả hơn; tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Còn diễn biến phức tạp
Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy nhiều khó khăn, tồn tại, yếu kém trong công tác phòng chống dịch.
Dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp. Ở các nước xung quanh, bệnh dịch đã bùng phát trở lại tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước), trong đó có Đồng Nai – là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, cung cấp trên 40% sản lượng thịt hơi cho thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh (gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn).
Một số địa phương chưa chủ động tổ chức giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh chưa chính xác, kịp thời, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Thậm chí một số nơi còn chủ quan, lơ là và không quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ yếu giao cho hệ thống thú y với lực lượng rất mỏng. Công tác phối hợp giữa cơ quan thú y với các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh vệ sinh, tiêu độc khử trùng chưa kịp thời, chưa đúng theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chưa triệt để. Hầu hết các hộ gia đình không có quỹ đất để chôn lợn bệnh chết mà phải vận chuyển đến các địa điểm do chính quyền địa phương chỉ định bằng các phương tiện thô sơ làm mầm bệnh phát tán rộng. Đây chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho bệnh dịch lây lan nhanh hơn và ô nhiễm môi trường.
Một số địa phương chưa bố trí kinh phí để trả thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh, xử lý tiêu hủy lợn bệnh; chậm trả tiền hỗ trợ hoặc mức hỗ trợ quá thấp cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy.
Nhiều người chăn nuôi khi phát hiện lợn có bệnh, nghi mắc bệnh không thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh, tự ý điều trị hoặc bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, làm cho dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó cũng có những địa phương do bệnh dịch kéo dài, lan trên diện rộng, nguồn kinh phí dự phòng không đủ để chi trả cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Với những diễn biến của dịch bệnh, Bộ NNPTNT nhận định do bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa vaccine phòng bệnh; virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với nước ta, trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát, nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức.
Chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ ở nước ta còn trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, mật độ chăn nuôi rất cao, đan xen trong các khu dân cư, nhất là tại các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, do vậy việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền bệnh mầm bệnh như chuột, gián và các loại côn trùng khác... để cắt đứt các nguồn lây nhiễm là rất khó, đồng thời còn nhiều khó khăn, tồn tại bất cập nêu trên.
Mặt khác, diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan ở các vùng miền của cả nước. Do vậy, trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
( chinhphu.vn )